Cuối tuần rồi chuỗi bán lẻ dược phẩm Phano và startup công nghệ y tế eDoctor ký hợp tác bán thuốc trực tuyến giao tận nhà thông qua ứng dụng di động và website. Theo đó, người dùng nền tảng eDoctor có thể ngồi nhà chọn mua thuốc từ Phano Pharmacy và được các dược sĩ tư vấn trực tuyến. Tiếp theo họ có thể chọn thanh toán bằng ví điện tử, thẻ tín dụng hoặc tiền mặt và được giao hàng tận nhà.
Với eDoctor, đây là bước cuối cùng để hoàn thiện hệ sinh thái y tế số trên ứng dụng di động vốn đã có sẵn các mảng tư vấn sức khỏe từ xa, lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, đặt lịch khám trực tuyến... Còn với Phano Pharmacy, đây là bước dịch chuyển lên kênh trực tuyến để đa dạng hóa kênh bán hàng và phù hợp với hành vi tiêu dùng của khách hàng hiện đại.
“Thương mại điện tử đang thúc đẩy khách hàng dịch chuyển lên online mạnh mẽ, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19. Chúng tôi cũng đẩy mạnh kênh trực tuyến để phục vụ nhu cầu của khách hàng,” ông Đặng Vĩnh Phúc, giám đốc marketing của Phano Pharmacy chia sẻ với Forbes Việt Nam.
Thị trường dược phẩm Việt Nam năm 2020 được công ty nghiên cứu BMI ước tính quy mô 7,1 tỉ USD với mức tăng trưởng 10% hằng năm giai đoạn 2017-2020. Hai kênh phân phối dược chính tại Việt Nam là kênh bệnh viện (70%) và kênh nhà thuốc (30%) với xấp xỉ 60.000 nhà thuốc trên cả nước. Đa phần các nhà thuốc nhỏ lẻ, các chuỗi mới hình thành những năm gần đây.
Xu hướng chuyển dịch này đang trở thành cuộc đua giữa các chuỗi bán lẻ dược phẩm. Phano không phải là chuỗi duy nhất từng bước “online hóa”. Từ năm 2018 họ đã thử nghiệm hình thức nhà thuốc trực tuyến Phanolink, tạo tiền đề cho thỏa thuận hợp tác với eDoctor hiện nay.
Việc "online hóa" kênh bán thuốc cũng được thực hiện ở Eco Pharma, Trung Sơn hay Pharmacity, FPT Long Châu… Cùng thời điểm gia nhập thị trường với Phano (giai đoạn 2007-2008), từ đầu năm 2017, Eco đã ra mắt trang thương mại điện tử Ecogreen kinh doanh các sản phẩm do công ty phân phối, cung cấp thông tin và tư vấn sức khỏe. Đến nay đơn hàng trên hệ thống đã có thể thanh toán qua internet banking, thẻ quốc tế hay tiền mặt.
Chuyên phân phối độc quyền các sản phẩm thuốc và thực phẩm chức năng từ Mỹ, chuỗi Eco hiện gồm 10 cửa hàng ở TP.HCM và hệ thống phân phối tại 63 tỉnh thành, theo thông tin tự công bố.
Trong khi chuỗi dược phẩm Trung Sơn, thành lập năm 1997 tại Cần Thơ, đến nay đã có 65 cửa hàng chủ yếu tại Cần Thơ, TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL, hiện cũng đã triển khai bán hàng trực tuyến.
Chuỗi dược phẩm lớn nhất về số lượng cửa hàng tại Việt Nam hiện tại là Pharmacity cũng không nằm ngoài sự dịch chuyển. Với 491 cửa hàng trong mục tiêu tham vọng đến cuối 2021 cán mốc 1.000 cửa hàng. Bên cạnh độ phủ rộng, kênh bán trực tuyến của Pharmacity cũng cung cấp cho khách hai lựa chọn: nhận thuốc tại cửa hàng hoặc giao hàng tận nơi, có thể thanh toán qua thẻ ngân hàng nội địa hoặc tiền mặt.
Chuỗi nhà thuốc Long Châu của FPT Retail với 174 cửa hàng và cũng đưa ra hai lựa chọn nhận hàng tương tự, nhưng chỉ mới thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng. Để cạnh tranh, thu hút khách hàng, các chuỗi thực hiện các chính sách miễn phí vận chuyển hoặc cam kết thời gian giao hàng.
Do dược phẩm là mặt hàng đặc thù liên quan đến sức khỏe, việc dịch chuyển lên kênh online thường được cung cấp kèm theo dịch vụ tư vấn thuốc từ dược sĩ. Riêng các giao dịch mặt hàng thuốc kê đơn chỉ được phép thực hiện khi người mua chụp đơn thuốc của bác sĩ và gửi lên hệ thống.
“Việc bán thuốc trực tuyến không đơn thuần bỏ hàng lên bán mà phải tuân thủ nhiều quy chuẩn. Khi đi từ offline lên online, buộc nhà thuốc phải vận hành ở mô hình kinh doanh nền tảng, vận hành và kết nối với hệ thống quản lý quan hệ khách hàng (CRM)… và nhiều điểm phức tạp khác. Chúng tôi mất hai năm xây dựng mô hình, đến nay mới chính thức hiện thực hóa,” theo đại diện Phano Pharmacy.
إرسال تعليق