Doanh thu và lợi nhuận của các hãng bia dẫn đầu thị phần ở Việt Nam đều giảm mạnh trong quý I, dù khởi sắc trở lại trong quý II nhưng làn sóng Covid-19 trở lại đang lan rộng tiếp tục áp lực lên tình hình kinh doanh của ngành này.
Sabeco - doanh nghiệp dẫn đầu thị phần bia tại Việt Nam vừa công bố doanh thu quý II, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 7.815 tỉ đồng - đưa doanh thu sáu tháng lên 12.123 tỉ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ.
Doanh thu giảm cộng thêm chi phí lãi vay doanh nghiệp tăng vọt gần 180% khiến lợi nhuận sau thuế quý II giảm 21%, còn 1.216 tỉ đồng. Lũy kế nửa đầu năm Sabeco ghi nhận 1.930 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ban lãnh đạo của Sabeco đã lường trước những ảnh hưởng của nghị định 100 và dịch Covid-19 khi đưa ra mục tiêu doanh thu và lợi nhuận năm 2020 giảm gần 40% so với năm 2019 - đây cũng là mục tiêu thấp nhất kể từ năm 2016. Với kết quả kinh doanh nửa đầu năm, Sabeco hoàn thành 50% doanh thu và 59% lợi nhuận mục tiêu của năm.
Người đứng đầu Sabeco tại đại hội cổ đông thường niên hồi cuối tháng 6 từng nói doanh nghiệp này nhận thấy mọi thứ đang trở lại bình thường và "Sabeco sẽ phục hồi song hành với sự phục hồi của nền kinh tế".
Cũng chứng kiến nửa đầu năm 2020 không suôn sẻ, ông lớn ngành bia ở miền Bắc - tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) báo doanh thu thuần 6 tháng đạt 2.912 tỉ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng quý II Habeco ghi nhận 2.132 tỉ đồng doanh thu, bằng 83% cùng kỳ 2019.
Lợi nhuận sau thuế quý II tăng nhẹ nhưng lũy kế nửa đầu năm 2020 vẫn giảm mạnh 51%, còn 147 tỉ đồng, mặc dù Habeco công bố đã cắt bớt chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp.
Mục tiêu doanh thu và lợi nhuận năm 2020 của Habeco trình đại hội cổ đông hồi tháng 6 cũng giảm 44% và 51% so với năm ngoái, tương ứng 4.239 và 248 tỉ đồng, dựa trên tình huống xấu nhất là dịch bệnh Covid-19 sẽ kéo dài hết năm 2020. Kết thúc 6 tháng, Habeco hoàn thành 68% doanh thu và 59% lợi nhuận.
Dù vậy, tập đoàn sở hữu nhiều thương hiệu như Heineken, Tiger, Strongbow... công bố doanh thu thuần và lợi nhuận kinh doanh từ toàn châu Á - Thái Bình Dương lần lượt đạt 21 triệu euro (572 tỉ đồng) và 8 triệu euro (218 tỉ đồng), trong đó Việt Nam là một trong những thị trường chủ lực, theo báo cáo kinh doanh nửa đầu năm 2020 được Heineken IV công bố hôm 3.8.
Heineken - doanh nghiệp đứng nhì về thị phần ở Việt Nam sau Sabeco cho biết tổng lượng bia tiêu thụ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm gần 5% so với cùng kỳ năm trước, đưa doanh thu thuần cả khu vực giảm hơn 10% so với cùng kỳ.
Báo cáo cho biết lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam "tăng vượt trội so với mặt bằng chung toàn khu vực" và số lượng kênh tiêu thụ tại chỗ (on-trade) ở Việt Nam đã bắt đầu hoạt động ổn định trở lại trong quý II.
Carlsberg - tập đoàn sở hữu 100% vốn của Hue Brewery trong báo cáo quý I ước tính doanh thu thuần tại khu vực châu Á giảm 12,4%.
Thị trường Việt Nam có đặc điểm tỷ trọng kênh tiêu dùng trực tiếp (on-trade) chiếm tới 73% tổng sản lượng bia tiêu thụ khi đa số người tiêu dùng thưởng thức bia tại quán ăn/nhà hàng..., theo báo cáo thị trường đồ uống của công ty nghiên cứu và tư vấn chiến lược CDI. Do đó, các yếu tố tác động tới kênh tiêu thụ bên ngoài khiến doanh thu và lợi nhuận của các nhà kinh doanh bia giảm sút.
Tại đại hội cổ đông 2020, chủ tịch Sabeco thừa nhận hai thách thức lớn nhất năm 2020 là tác động từ nghị định 100 và những biện pháp cách ly xã hội đã khiến "lượng bia tiêu thụ ở hàng quán sụt giảm nặng nề".
Tình hình dịch bệnh trở lại từ cuối tháng 7 khiến các hãng bia sẽ phải tiếp tục đối mặt với nguy cơ tiêu thụ giảm tới cuối năm 2020, cùng với đó là thói quen ăn uống và chi tiêu của người dùng cũng thay đổi.
Báo cáo về hành vi người tiêu dùng trong dịch bệnh Covid-19 của Kantar Việt Nam cho biết, chi tiêu cho sản phẩm "bia" đã giảm 24% chỉ trong hai tháng đầu năm. Xa xỉ phẩm, rượu và các sản phẩm "không thiết yếu" được dự báo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề ngay cả khi dịch bệnh kết thúc.
SSI Research cũng dự báo tăng trưởng sản lượng bia trong năm 2020 có thể không đạt hai con số, mức độ tăng trưởng ổn định trong khoảng 6-7% khi kết thúc năm nay vì ảnh hưởng của nghị định 100 và dịch bệnh Covid-19.
Trong một báo cáo trước đây, Euromonitor từng gọi Việt Nam là "chiến trường của các hãng bia" bởi tốc độ tăng trưởng cao trong suốt thập niên đã thu hút nhiều tên tuổi gia nhập thị trường.
So với mức tăng trưởng âm hoặc không tăng trưởng của các thị trường đã phát triển như châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, mức tăng 5-6% hàng năm của thị trường Việt Nam đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư. Tính trong giai đoạn 2019-2023, ngành bia tăng trưởng trung bình 6-7%/năm. Năm 2019, doanh thu thị trường đạt quy mô 7,7 tỉ USD và kỳ vọng lên 8,2 tỉ USD trong năm 2020 này.
Báo cáo phân tích ngành bia của SSI cũng cho thấy sản lượng bia ở Việt Nam đạt 4,6 tỉ lít trong năm 2019, tăng 10% so với năm trước - cao hơn mức tăng 5-6% của hai năm trước đó - do xu hướng người trẻ ra ngoài uống bia nhiều hơn.
Theo Forbes Việt Nam
إرسال تعليق