Sau Aeon, Takashimaya, Family Mart, MiniStop, 7-Eleven... thị trường bán lẻ trong nước tiếp tục chứng kiến sự xuất hiện hoặc mở rộng điểm bán của những thương hiệu bán lẻ Nhật Bản, dù thị trường đang khó khăn.
Mua sắm tại Aeon Mall Tân Phú, quận Tân Phú, TPHCM, ngày 14-8-2020. Ảnh: CAO THĂNG
Tăng tốc chiếm lĩnh thị trường
Dù đang thời điểm dịch Covid, liên doanh giữa Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Sumitomo Corporation (Nhật Bản) đang chuẩn bị khai trương siêu thị FujiMart thứ 2 tại số 36 Hoàn Cầu, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Trước đó, siêu thị FujiMart đầu tiên khai trương vào cuối năm 2018 tại 142 Lê Duẩn, Hà Nội đã rất thành công. FujiMart không phải là thương hiệu bán lẻ Nhật Bản duy nhất chọn thời điểm khó khăn này để khai trương. Nhãn hàng thời trang nổi tiếng Uniqlo cũng cho khai trương cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội đặt ở Trung tâm thương mại (TTTM) Vincom, quận Đống Đa. Cửa hàng trải rộng khắp 2 tầng của TTTM Vincom trên đường Phạm Ngọc Thạch, một trong những địa điểm mua sắm thời trang lớn nhất thủ đô.
Tại TPHCM, cuối tháng 7 vừa qua, Muji cũng đã khai trương cửa hàng trải nghiệm (Pop-up store) đầu tiên tại Việt Nam ở TTTM Parkson. Cửa hàng trải nghiệm này được xem là bước “nhá hàng” cho cửa hàng chính thức sẽ được khai trương vào cuối năm nay. Chuỗi cửa hàng bán lẻ này nổi tiếng ở châu Âu bởi đa dạng các loại sản phẩm từ đồ gia dụng, nội thất cho đến quần áo, mỹ phẩm. Cũng tại TPHCM, Miki House, thương hiệu thời trang cao cấp cho trẻ em sau 5 năm nghiên cứu thị trường Việt Nam cũng đã mở cửa hàng đầu tiên đặt tại TTTM Nhật Bản Akuruhi (đường Trần Quang Khải, quận 1). Hay hãng mỹ phẩm Matsumoto Kiyoshi cũng đang xem xét mở kinh doanh ở Việt Nam.
Những doanh nghiệp (DN) này đang nối dài danh sách các nhà bán lẻ Nhật Bản bước vào thị trường Việt Nam. Thực tế, việc mở kinh doanh của các DN trên đã được lên kế hoạch khá lâu sau thành công của các DN đồng hương “mở đường” trước đó như Aeon, Takashimaya... Tập đoàn Aeon đã tạo một hiện tượng thành công nhanh trong lĩnh vực bán lẻ tại TPHCM, Hà Nội, Bình Dương với 5 TTTM lớn và giờ vẫn đang tiếp tục mở rộng điểm kinh doanh. Theo ông Nishitohge Yasuo, Tổng Giám đốc Aeon Việt Nam, Aeon dự kiến sẽ mở TTTM thứ 6 tại Hải Phòng vào cuối năm nay và đầu tư một TTTM tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) trong tương lai.
Tháng 4 vừa qua, Takashimaya - điểm đến mua sắm cho khách hàng có thu nhập khá và cao, đã công bố đạt lợi nhuận đầu tiên sau khoảng 4 năm gia nhập thị trường Việt Nam. Theo hãng tin NNA của Nhật Bản, nhà bán lẻ hơn 180 tuổi này công bố Takashimaya ở TPHCM đạt lợi nhuận hoạt động 100 triệu yên (khoảng 929.000 USD) trên doanh thu 2 tỷ yên, tăng 12,4% so với năm trước. Và DN này đang mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, đầu tư mạnh trong lĩnh vực bán lẻ ở Việt Nam của DN xứ hoa anh đào được giới quan sát nhìn nhận là mô hình cửa hàng 24 giờ. Đất nước mặt trời mọc này có 4 chuỗi thương hiệu cửa hàng tiện lợi nổi tiếng và đến nay đã có 3 thương hiệu vào Việt Nam, gồm: Family Mart, MiniStop, 7-Eleven. Chuỗi Lowson cũng đang tìm hiểu thị trường Việt Nam.
Dù chưa thể đánh giá sự thành công của mô hình kinh doanh này thời điểm hiện nay, nhưng sự đẩy mạnh mở rộng điểm bán của các thương hiệu cửa hàng tiện lợi này đang từng bước làm thay đổi xu hướng tiêu dùng ở thị trường trong nước. Giới phân tích đánh giá đây là chuỗi kinh doanh đáng gờm bởi nó cạnh tranh trực tiếp với các cửa hàng tạp hóa, tiệm bánh kẹo - những đối tượng vẫn chiếm đa số ở lĩnh vực thương mại trong nước.
Đón thị trường gần 200 tỷ USD
Trong bối cảnh nhiều tên tuổi nước ngoài rút lui khỏi Việt Nam do sức ép cạnh tranh và khó khăn do dịch, việc Aeon, Family Mart, MiniStop, 7-Eleven... ngày càng mở rộng và những thương hiệu bán lẻ Nhật tiếp tục tìm đến cho thấy tiềm năng thị trường gần 100 triệu dân trong nước là rất lớn.
Ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM, cũng ghi nhận dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản vào hoạt động phi sản xuất, bán lẻ phục vụ thị trường Việt Nam tăng đáng kể. “Việc mở cửa hàng kinh doanh tại TPHCM vào cuối năm 2019 và mới đây là ở Hà Nội của Uniqlo cho thấy Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng, sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều DN Nhật khác”, ông Hirai Shinji nói và giải thích: Uniqlo là một nhãn hàng thời trang nổi tiếng trên thế giới hiện nay, nên khi quyết định mở kinh doanh ở đâu là đã tìm hiểu kỹ về tiềm năng thị trường kinh doanh.
Tuy nhiên, việc các DN Nhật Bản mở rộng kinh doanh ở Việt Nam trong bối cảnh thị trường bán lẻ ở nhiều nước trên thế giới tăng trưởng âm do dịch, đặc biệt thị trường xứ hoa anh đào bị giảm đến 2 con số - được giới phân tích đánh giá không quá ngạc nhiên.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ hàng hóa Việt Nam 7 tháng đầu năm 2020 tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 2.218.000 tỷ đồng. Có thể thấy thị trường bán lẻ Việt Nam là thị trường hiếm hoi trong khu vực và trên thế giới có mức tăng trưởng dương trong bối cảnh khó khăn chung do dịch Covid-19. Với tăng trưởng bình quân trên 10%/năm những năm qua, thị trường bán lẻ Việt Nam luôn nằm trong tốp dẫn đầu về sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khép lại năm 2019 doanh thu bán lẻ hàng hóa cả nước ước tính tương đương hơn 161 tỷ USD, tức tăng gần 18,9 tỷ USD so với năm 2018.
Mặt khác, với thị trường gần 100 triệu dân, mức thu nhập ngày càng cao, kinh tế phát triển ổn định, giới phân tích đánh giá Việt Nam tiếp tục là thị trường bán lẻ đầy tiềm năng. Trong đó, tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng là nhân tố giúp nới rộng dư địa tăng trưởng cho các nhà bán lẻ. Nếu duy trì ở tốc độ tăng trưởng cao như những năm qua thì chỉ trong 2 năm nữa thị trường bán lẻ hàng hóa Việt Nam có thể cán được mốc 200 tỷ USD.
إرسال تعليق