Trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FCMG), tốc độ tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử Việt Nam chỉ đứng sau Thái Lan và Malaysia.
Theo báo cáo “Tương lai của thương mại điện tử trong ngành hàng tiêu dùng nhanh” công bố bởi Kantar Worldpanel vào tháng 11 này, doanh thu hàng hóa thông qua các nền tảng thương mại điện tử trên toàn cầu đã tăng 30% trong giai đoạn tháng 3/2016 đến tháng 3/2017.
Trong ngành hàng FCMG, nếu xét về giá trị, các nước sở hữu sức mạnh kinh tế hàng đầu, trong đó có Trung Quốc và Hoa Kỳ, vẫn là những nước đóng góp nhiều nhất. Tuy nhiên xét về tốc độ, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam mới là những thị trường thương mại điện tử tăng trưởng mạnh nhất, trong đó Thái Lan dẫn đầu với 104%, Malaysia 88% và Việt Nam 69%.
Kantar đánh giá ở Việt Nam, kênh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ nhờ vào sự phát triển của Internet và sự gia tăng lượng người sở hữu điện thoại thông minh, cùng với đó là sự đầu tư mạnh tay của các ông lớn ngành bán lẻ.
Tại 4 thành phố lớn, tỷ lệ người mua sắm thông qua thương mại điện tử đã tăng từ 5,4% lên 8,8% và giá trị của giỏ hàng mua sắm trực tuyến đã gấp ba lần giá trị của một giỏ hàng truyền thống.
Ông David Anjoubault, Tổng Giám đốc Kantar Worldpanel Việt Nam nhận định: “Mặc dù quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam còn nhỏ so với các hình thức khác, nhưng lại có tiềm năng rất lớn bởi vì tăng trưởng về giá trị của ngành FCMG thông qua thương mại điện tử đã đạt con số 69%. Điều này làm cho Việt Nam trở thành một trong những nước có tỷ lệ tăng trưởng thương mại điện tử cao nhất trên thế giới”.
“Các tay chơi lớn của thị trường bán lẻ hiện nay nên dần dần chuyển dịch vụ của mình sang bán hàng trực tuyến, tận dụng lợi thế thương hiệu với chiến lược đa kênh để đạt được thành công và bảo vệ vị trí hiện tại. Nhìn chung, sự tin tưởng của người tiêu dùng và chi phí cao cho mô hình phân phối là những thách thức lớn cần được các doanh nghiệp giải quyết để thương mại điện tử Việt Nam tiến xa hơn nữa”.
Theo dự báo của Kantar, đến năm 2025 thị trường FMCG thông qua thương mại điện tử sẽ có giá trị 170 tỷ USD, và chiếm 10% tổng thị phần. Riêng tại Việt Nam, con số này sẽ tăng từ 0,5% lên 2,2% nhờ sự phát triển của kỹ thuật số.
Ông Stéphane Roger, Giám đốc toàn cầu về Hành vi mua sắm và các Kênh bán lẻ của Kantar Worldpanel cho biết thương mại điện tử vẫn tiếp tục cạnh tranh với các kênh mua sắm truyền thống, tuy nhiên ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các hình thức mua sắm trực tuyến không còn là lựa chọn tốt nhất để giành chiến thắng về thị phần.
“Điều quan trọng là làm thế nào để kênh bán hàng trực tuyến và truyền thống cùng nhau tạo ra một trải nghiệm mua sắm tốt hơn cho khách hàng”, Stéphane Roger kết luận.
Theo Trí thức trẻ
إرسال تعليق