Nhiều thương hiệu sản phẩm lớn tại Việt Nam đang chạy quảng cáo ngay trên các video YouTube có nội dung phản cảm, bạo lực, tuyên truyền thông tin xấu độc, chống phá chế độ.
    Việt Nam cảnh báo YouTube vì nhiều video phạm luật
    Ảnh minh họa.
    Sau một thời gian giám sát, Cục Phát thanh truyền hình & Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) – Bộ TT&TT – đã phát hiện tình trạng các thương hiệu sản phẩm đang kinh doanh tại Việt Nam có những vi phạm nghiêm trọng trong các clip quảng cáo chạy trên YouTube. PV VietNamNet đã có cuộc phỏng vấn với ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này.

    sai phạm quảng cáo, quảng cáo YouTube, Việt Nam,
    Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT Lê Quang Tự Do trả lời phỏng vấn VietNamNet. Ảnh: H.P.
    PV VietNamNet: - Ông có thể cho biết cụ thể những sai phạm mà Cục PTTH&TTĐT đã xác định được trong các quảng cáo chạy trên YouTube?
    Ông Lê Quang Tự Do: - Trong thời gian qua, Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục PTTH&TTĐT đã phát hiện và giám sát một số nội dung quảng cáo chèn vào các video YouTube có nội dung phản cảm, bạo lực, tuyên truyền các thông tin xuyên tạc sự thật, chống phá nhà nước Việt Nam và bôi xấu hình ảnh các lãnh tụ, nguyên thủ của Việt Nam qua các thời kỳ.
    Cụ thể, sau một quá trình theo dõi, giám sát, cơ quan chức năng phát hiện hai tình trạng vi phạm pháp luật nghiêm trọng trên YouTube. Thứ nhất, đó là các clip có nội dung xấu độc trên YouTube lại xuất hiện quảng cáo của các nhãn hàng đang kinh doanh tại thị trường Việt Nam, ví dụ như: Sản phẩm Vaseline, Comfort (Unilever); sản phẩm Pampers, Ariel (P&G); Vinhomes; Sendo (FPT), Samsung Việt Nam, Yamaha .v.v.
    sai phạm quảng cáo, quảng cáo YouTube, Việt Nam,
    Quảng cáo sản phẩm Vaseline trong video YouTube có nội dung bôi xấu hình ảnh lãnh đạo Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình).
    - Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước, Cục PTTH&TTĐT sẽ xử lý các sai phạm này như thế nào?
    Ông Lê Quang Tự Do: - Về hướng xử lý trước mắt đối với các sai phạm nói trên, ngay sau khi có đầy đủ thông tin, bằng chứng các sai phạm, Bộ TT&TT đã có những chỉ đạo quyết liệt để xử lý ngay. Cụ thể, cơ quan chức năng đã đề nghị các đơn vị doanh nghiệp sở hữu các quảng cáo phải gỡ bỏ ngay các hình ảnh quảng cáo trên các video có nội dung xấu độc, đồng thời có báo cáo giải trình về lý do xảy ra những sai phạm này, dù là lý do khách quan hay chủ quan.
    Thứ hai, chúng tôi cũng phối hợp Bộ VH-TT-DL để có những biện pháp xử lý đối với các công ty quảng cáo để không lặp lại tình trạng này.
    Thứ ba, chúng tôi cũng đã có công văn mời làm việc khẩn với đại diện của YouTube và Google để phối hợp xử lý những sai phạm nói trên theo Thông tư số 38 của Bộ TT&TT về quản lý thông tin công cộng qua biên giới.
    Về giải pháp lâu dài, vừa qua Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư 38, trong đó quy định rất chi tiết về yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet, mạng xã hội ở nước ngoài khi khi cung cấp vào Việt Nam phải có biện pháp phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước nhằm bảo vệ người dùng Internet và mạng xã hội ở Việt Nam trước thông tin xuyên tạc, bịa đặt, vi phạm thuần phong mỹ tục, xấu độc... Hiện chúng tôi đã triển khai lịch làm việc với nhiều nhà cung cấp nước ngoài như Facebook, YouTube, Google và các dịch vụ mạng xã hội khác.
    Trong bối cảnh hiện nay, các quốc gia trên thế giới đều đang phải đối mặt với vấn đề thông tin trên Internet sai sự thật, nội dung không lành mạnh, phản giáo dục ảnh hưởng tới người sử dụng, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên, thiếu nhi. Mỗi quốc gia đều phải có những biện pháp để hạn chế và kiểm soát các nội dung này, và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
    Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng các biện pháp quản lý này nhằm bảo vệ và tạo nên môi trường Internet Việt Nam phát triển lành mạnh, bảo vệ người sử dụng Internet tại Việt Nam trước các thông tin xấu độc, đặc biệt là gây ảnh hưởng xấu đến thế hệ trẻ. 
    - Xin cảm ơn ông đã dành thời gian trao đổi. 
    Theo Huy Phong, Vietnamnet
    Nguồn: http://ictnews.vn/internet/nhieu-sai-pham-trong-quang-cao-cua-youtube-tai-viet-nam-149575.ict

    Post a Comment

    أحدث أقدم