Ngôn từ nắm giữ quyền lực. Để duy trì sức ảnh hưởng trong cuộc sống cũng như trong sự nghiệp, người thành công luôn sử dụng ngôn ngữ đúng cách và biết nên tránh sử dụng những từ hoặc cụm từ nào. Và đó chính là điều mà mọi người cần học hỏi ở họ.
Theo nữ luật sư, chiến lược gia Avery Blank, mỗi người có thể làm gia tăng sức mạnh của ngôn từ bằng cách tránh sử dụng 7 kiểu từ, cụm từ phổ biến sau đây:
1. “Chỉ”
Từ “chỉ” làm suy yếu nội dung theo sau nó. Nó giống như một “từ bảo vệ”, giúp làm mềm đi những điều bạn muốn đạt được.
Khi bạn thực sự dành nhiều thời gian và công sức cho một việc gì đó, chẳng hạn chờ đợi một email trả lời, nghĩa là đây là việc quan trọng. Đừng dùng từ “chỉ” khi diễn đạt, kiểu “Tôi chỉ đang chờ một email phản hồi”. Khi đó, người nghe sẽ có cảm giác như đây không phải việc gì quá quan trọng.
2. “Rất”, “hoàn toàn”, “tuyệt đối”
Những từ như “rất”, “hoàn toàn”, “tuyệt đối” không có tác dụng cộng thêm giá trị hoặc nhấn mạnh vào điều bạn muốn diễn tả. Ngược lại, những tính từ hoặc trạng từ thừa thãi đó đôi khi lại làm tăng thêm tính “kịch” một cách không cần thiết.
Khi đánh giá cao sức mạnh của lời nói, bạn sẽ có xu hướng sử dụng ít từ ngữ hơn để diễn tả một điều gì đó. Bởi khi sử dụng ít từ ngữ hơn, mỗi từ sẽ trở nên mạnh mẽ hơn và sẽ được người nghe đánh giá cao hơn.
3. “Tôi nghĩ”, “có thể cho rằng”
Mọi suy nghĩ bạn nói ra đều là ý kiến của bạn. Bạn không cần phải mở đầu việc diễn đạt ý kiến của mình bằng cách nói “Tôi nghĩ”. Tương tự như từ “chỉ”, “tôi nghĩ” và “có thể cho rằng” là một “từ bảo vệ”. Nó như ngầm nói với mọi người rằng, bạn có thể sai nhưng không sao vì đó chỉ là những điều bạn nghĩ. Đó là một cách để bảo vệ mình khỏi sự tấn công.
Tuy nhiên, những từ bạn đang dùng nhằm bảo vệ chính mình lại đang phá hủy đi tầm ảnh hưởng của bạn. Bạn được quyền đưa ra ý kiến riêng, đừng làm suy yếu đi quyền lợi đó. Chia sẻ ý kiến một cách không do dự ngay cả khi có người không đồng tình sẽ giúp bạn được tôn trọng hơn.
4. “Tôi sẽ cố gắng”, “Đừng lo về điều đó”
Nói rằng bạn sẽ cố gắng làm điều gì đó cho thấy rằng bạn đang không chắc chắn về khả năng của mình. Nếu nói rằng bạn sẽ làm điều gì đó, mọi người đều hiểu bạn sẽ cố gắng. Nhưng nếu nói “sẽ cố gắng”, bạn sẽ khiến mọi người cảm thấy lo lắng. Đừng khiến người nghe nghĩ rằng bạn đang thiếu tự tin vào chính mình và thậm chí là vào khả năng cố gắng của mình.
Ngược lại, khi bạn thể hiện quá nhiều sự tự tin và nói “Đừng lo về điều đó”, bạn khiến mọi người cảm thấy mơ hồ về những điều bạn đang làm và như thể bạn coi thường họ, rằng họ không thể làm bất cứ điều gì trong phần việc đó. Đặc biệt ở cương vị lãnh đạo, bạn nên trao quyền cho người khác chứ không phải là tước đoạt quyền của họ.
5. “Xin lỗi”
Bạn xin lỗi càng nhiều, sức mạnh của lời xin lỗi càng ít đi. Hãy sử dụng từ “xin lỗi” một cách… tiết kiệm. Chỉ xin lỗi khi bạn là người trực tiếp gây ra vấn đề và không xin lỗi về những việc nằm ngoài tầm kiểm soát.
6. “Giống như”, “bất cứ điều gì”, “vân vân và vân vân”
Hãy sử dụng những cụm từ chỉ sự tương tự ở mức tối thiểu. Chúng là những từ phổ biến dùng để khỏa lấp vấn đề. Người ta dùng chúng khi đang cố gắng suy nghĩ về những điều mình sẽ nói tiếp theo, nhưng vô tình lại làm loãng đi những nội dung đi kèm.
Thay vì nói ra những từ này, bạn nên dừng lại một chút để “tập hợp” lại những suy nghĩ của mình rồi hãy tiếp tục câu chuyện.
7. “Thực tế”, “rõ ràng”
Những từ như “rõ ràng” và “thực tế” ngụ ý rằng người nghe đang không hiểu vấn đề hoặc hoàn cảnh (trong khi bạn là người đúng) hoặc chắc chắn là họ hiểu vấn đề (trong khi có thể họ không hiểu).
Đặt ra giả định về mức độ hiểu biết của người khác sẽ vô tình cho thấy sự thiếu hiểu biết của bạn, khiến mọi người cảm thấy khó chịu và sẽ kém tôn trọng bạn hơn.
Theo Doanh Nhân Sài Gòn
إرسال تعليق