Lý do quan trọng nhất đó là: Facebook đang đánh cắp lượng lớn những lượt xem video từ phía YouTube mà trong thế giới ảo, lượt xem chính là thước đo giá trị.


Freebooting, một thuật ngữ chỉ việc khi một người lấy video từ một dịch vụ khác như YouTube sau đó đăng tải lên Facebook, đã trở thành một vấn nạn lớn với cộng đồng những người phát triển nội dung trong vài tháng trở lại đây.

Freebooting đã thu hút được nhiều sự chú ý trong mùa hè vừa qua khi Hank Green, một nhà sản xuất nội dung lớn trên YouTube và cũng là đồng sáng lập của hội nghị Vidcon, đã viết về vấn đề này trên Medium.
Một video của Kurzgesagt Project, xưởng thiết kế hoạt hình tại Munich, Đức đã bóc tách vấn đề này một cách chi tiết. Video này đã nhận được 1,2 triệu lượt xem trên YouTube chỉ trong vòng 2 ngày kể từ khi được đăng tải.

Video chỉ ra rằng freebooter có thể cướp đi vài triệu lượt view của các nhà phát triển nội dung YouTube và Facebook đã khiến mọi chuyện phức tạp hơn. Facebook hiện từ chối bình luận về video của Kurzgesagt.
Vậy chính xác đâu là lý do khiến người dùng YouTube căm ghét Facebook?
Facebook cho biết, mỗi ngày có 8 tỷ video được xem trên Facebook, thông tin trên được đưa ra trong một buổi họp với các nhà đầu tư trong tuần trước. Thế nhưng trong một báo cáo năm nay, hầu hết những video có số lượt xem nhiều nhất lại chính là những video bị đánh cắp trên YouTube. Báo cáo ra hồi tháng 7 của Ogilivy và Tubular Lab cho biết, 725 trong số 1.000 video được ưa thích nhất trên Facebook trong quý đầu năm nay bị đánh cắp từ YouTube. Những video này chiếm tới 17 tỷ lượt xem nhưng các nhà phát triển nội dung chẳng được hưởng xu nào từ số lượt xem này. Đơn giản bởi các video này được đăng tải trên Facebook, không phải trên kênh YouTube gốc.

Facebook cũng hỗ trợ các video được tải lên từ Facebook nhiều hơn là những video được nhúng từ YouTube. Những video được tải trực tiếp trên Facebook sẽ có khả năng tiếp cận với nhiều người xem hơn những video YouTube. Video của Facebook cũng sẽ tự động phát trên News Feed vì vậy bạn không cần phải chuyển trang để xem.
Chính vì vậy số video bị freebooting ngày càng tăng. Các ca sỹ và diễn viên như Tyrese Gibson, các chương trình radio và một số công ty là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất.  Các video bị freeboot có số lượng người xem rất lớn. Một video vừa được freeboot gần đây từ Kurzgesagt Projects nhận được 3,2 triệu lượt xem trên Facebook trong khi đó phiên bản YouTube do xưởng phim này sản xuất lại chỉ có 108.000 lượt xem.
Facebook và cá nhân hoặc nhóm freeboot thì nhận được lợi nhuận, tuy nhiên nhà sản xuất nội dung thì không. Facebook muốn tăng lượng tiếp xúc của người dùng với các video, giữ người sử dụng ở trên trang lâu hơn. Và bất cứ ai freeboot các video cũng có số lượng người theo dõi tăng thêm. Thế nhưng freeboot làm ảnh hưởng đến người sản xuất nội dung. Họ không chỉ đánh mất phần doanh thu quảng cáo đáng lẽ phải được hưởng mà còn không được nhận thêm số lượt xem đáng lẽ thuộc về họ. Casey Neistat, một nhà làm phim và là nghệ sĩ với hơn 1,5 triệu fan trên YouTube trả lời trang Tech Insider hồi tháng 8 cho biết: “Trong không gian mạng xã hội, lượt tiếp cận và lượt xem chính là giá trị của bạn. Giá trị của bạn nằm trong việc bạn được nhiều người biết đến thế nào, và trên các mạng xã hội khác cũng vậy. Tất cả đều là định lượng… Thế nên bất cứ khi nào một ai đó lấy mất những lượt xem của bạn, họ đang lấy đi thứ giá trị không thuộc về mình”.

YouTube đã xử lý được vấn đề này. Đây không phải là vấn đề lớn với YouTube, bởi YouTube có cả một hệ thống chuyên phát hiện các nội dung bị freeboot. Neistat trả lời YouTube vào tháng 8 cho biết: “Tôi có cảm giác mình được hậu thuẫn, tôi có cảm giác họ muốn làm điều đúng đắn. Và tôi có cảm giác tài sản trí tuệ của tôi được bảo vệ”.
Thế nhưng Facebook chưa xử lý được vấn đề Freeboot. Bạn thậm chí còn không thể tìm kiếm các video trên Facebook vì vậy rất khó để những nhà sản xuất nội dung tìm các video bị freeboot của mình. Họ phải theo đường Google hoặc croudsourcing để tìm ra những video đã bị đánh cắp của mình.
Khi các nhà sản xuất nội dung tìm thấy các video bị freeboot, rất khó để yêu cầu gỡ bỏ các video này. Neistat cho biết: “Những lần tôi buộc phải yêu cầu gỡ nội dung trên Facebook, mọi thứ vô cùng phức tạp.  Mọi thứ cứ quanh quẩn với rất ít phản hồi”. Facebook từng nói rằng họ sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn để các nhà phát triển có thể báo cáo về các vấn đề như vậy, nhưng không rõ công ty này đã làm được những gì. Trong khi đó, các nhà phát triển vẫn cảm thấy vô cùng bức xúc với vấn đề này. Đến khi Facebook có thể thực sự gỡ bỏ được các video, hầu hết những người đáng lẽ phải xem nó thì đã xem được rồi.
Vậy chúng ta có thể làm gì? Kurzgesagt khuyến khích mọi người khi xem được các video bị đánh cắp trên Facebook hãy liên lạc với nhà sản xuất nội dung gốc, bởi chỉ có nhà sản xuất nội dung mới có thể yêu cầu Facebook hạ “bản nhái” kia xuống được. Mọi người có thể làm điều này rất đơn giản bằng các tag tên nhà sản xuất nội dung vào phần bình luận của video trên Facebook.
Lê Nga (Theo Tech Insider)

Post a Comment

أحدث أقدم