Không cấm các doanh nghiệp ở nước ngoài cung cấp ứng dụng OTT nhưng lại đặt ra điều kiện "bất khả thi".
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa đưa ra một dự thảo khiến nhiều người dùng "điêu đứng" vì lo ngại sắp tới đây có thể chẳng còn ứng dụng để nhắn, gọi miễn phí nữa. Nhiều người lo lắng lúc đấy phải trả bộn tiền cho việc nhắn tin, gọi điện thoại, nhất là nhắn, gọi ra nước ngoài.
Phải đa dạng mới dùng được
Lâu nay người dùng di động có thể gọi nhau miễn phí bằng cách sử dụng các ứng dụng như Viber, Zalo, Wechat, Line, Tango, Skype... (gọi chung là ứng dụng OTT).
Anh Quý Nguyên là người Việt đi làm tại Quảng Châu (Trung Quốc), khi về Việt Nam tìm bạn hàng, anh vẫn thường liên lạc với người ở Quảng Châu bằng ứng dụng Wechat. "Người ở Quảng Châu chỉ cài được Wechat, không xài ứng dụng khác được. Đặc điểm của tiếng Hoa là phải bấm khá nhiều ký tự mới ra một chữ nên nhắn tin bằng chữ rất tốn thời gian, hầu hết chúng tôi đều gọi trực tiếp hoặc gửi tin nhắn thoại. Wechat thì khá tốt về phần thoại, gửi bao nhiêu tin thoại vẫn nghe tốt. Bạn hàng ở Mỹ thì chỉ xài Line thôi, 10 người tôi cần liên hệ thì hết chín là xài Line",- anh Nguyên kể.
Anh Nguyên cũng cho biết anh vẫn cài một số ứng dụng OTT khác như Viber, Zalo để tiện liên lạc với người ở Việt Nam. Tuy nhiên, anh chê "nhắn thoại bị báo lỗi, gọi nhau thì nghe chập chờn, chữ được chữ mất".
Giả sử không được dùng các ứng dụng này thì sao? Anh Nguyên cho rằng có lẽ phải trao đổi qua email chứ bên A chặn ứng dụng của B, bên B chặn lại ứng dụng của A thì người dùng hai bên làm sao xài được!
Dự thảo ứng dụng OTT chỉ áp dụng cho dịch vụ gọi và nhắn tin trên nền internet chứ không ảnh hưởng đến nội dung ứng dụng mạng xã hội.
Không cấm nhưng ra điều kiện
Đầu tháng 11, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố dự thảo thông tư liên quan đến dịch vụ nhắn, gọi trên nền Internet. Dự thảo này tuy không cấm các doanh nghiệp ở nước ngoài cung cấp ứng dụng OTT nhưng lại đặt ra điều kiện có vẻ "bất khả thi". Cụ thể, ứng dụng có trên 1 triệu người đăng ký sử dụng (không nói rõ người dùng tại Việt Nam hay toàn thế giới) thì nhà cung cấp ứng dụng đó phải "có ít nhất một hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam" để "đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra". Quan trọng hơn, nhà cung cấp nước ngoài muốn "đặt máy chủ tại Việt Nam" thì phải "hợp tác với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam". Nói cách khác, không cấm nhưng bắt phải hợp tác.
Liệu những điều kiện trên có làm khó bên ngoài và "bảo hộ" cho các nhà cung cấp OTT trong nước không? Ông Nguyễn Tử Hoàng, Phó Chủ tịch phụ trách phần mềm của Tập đoàn Công nghệ BKAV, cho biết ứng dụng OTT có tác động đến xã hội tương tự như các dịch vụ nhắn tin, gọi điện thoại thông thường, thậm chí còn có thể cung cấp nhanh và nhiều thông tin hơn nên tác động lớn hơn. Vì thế cần được quản lý như các dịch vụ viễn thông truyền thống. Việc yêu cầu các công ty nước ngoài phải hợp tác với doanh nghiệp viễn thông trong nước hay đặt máy chủ ở Việt Nam là điều kiện cần thiết để quản lý được các dịch vụ này cả về nội dung và kỹ thuật. Dịch vụ OTT trong nước đã đáp ứng được các điều kiện để quản lý được rồi nên dự thảo đặt những yêu cầu trên là tạo ra sự bình đẳng cho các dịch vụ OTT trong nước chứ không phải bảo hộ.
Không được chặn nhưng được tăng giá
Người dùng cần có điện thoại di động, cài và chạy ứng dụng OTT. Khi chạy ứng dụng thì cần kết nối Internet, có thể bằng Wi-Fi từ thiết bị khác hoặc sử dụng dịch vụ 3G của nhà mạng. Người dùng phải trả tiền Internet, tùy cách tính và cách sử dụng của mỗi người nhưng nhìn chung số tiền này không đáng là bao so với cước gọi điện thoại, nhắn tin của nhà mạng.
Chính vì sự phụ thuộc vào Internet này, thông tư trên "rào" ngay từ gốc, tuy không cho các doanh nghiệp cung cấp Internet "cản trở" nhưng cho họ khá nhiều quyền như có quyền ưu tiên về chất lượng gọi, nhắn cho những ứng dụng OTT nào có thỏa thuận thương mại với mình; có quyền định ra các gói cước Internet có/không có sử dụng ứng dụng nhắn, gọi với giá cước khác nhau, chất lượng khác nhau; có quyền hợp tác hoặc không hợp tác với các nhà cung cấp ứng dụng. Như vậy, ứng dụng OTT có thể bị... phân biệt đối xử nếu không hợp tác. Một khi chất lượng gọi của ứng dụng không được "ưu tiên", không "mướt" thì người dùng cũng sẽ bỏ ứng dụng đó!
Đối với người dùng, từ quy định trên, có thể dự đoán giá cước 3G sắp tới sẽ tăng hoặc nhà mạng sẽ tung ra các gói cước riêng mà người dùng phải mua gói đó thì mới "chạy" được các ứng dụng OTT như Viber, Wechat, Line, Tango...
Nhà mạng cần chuyển động
Báo cáo cuối tháng 10 của Juniper Research (công ty chuyên nghiên cứu và phân tích trong lĩnh vực công nghệ truyền thông) đã cảnh báo rằng các nhà mạng mất khoảng 14 tỉ USD do người dùng chuyển sang dùng các ứng dụng OTT như WhatsApp, Facebook và Skype, tăng 26% so với năm 2013. Doanh thu của một số nhà mạng đã giảm đến 60% trong vòng năm năm.
Báo cáo cho rằng các nhà mạng cần chuyển động và vạch ra xu hướng kinh doanh mới, cụ thể như dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động, doanh thu có thể đến 66 tỉ USD trong năm năm tới. Ngoài ra, các nhà mạng có thể tăng cường phân tích dữ liệu của người dùng để khai thác kinh doanh.
Các hướng "hợp tác"
Trong một hội thảo về quản lý dịch vụ OTT, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông vạch ra một vài hướng để giải quyết mối quan hệ giữa nhà mạng - nhà cung cấp OTT - người dùng như sau:
- Nhà mạng tính phụ phí khi khách hàng sử dụng ứng dụng OTT.
- Nhà mạng cũng phát triển riêng các dịch vụ OTT để cạnh tranh.
- Nhà mạng hợp tác với nhà cung cấp OTT để có gói cước đặc biệt có thể dùng được OTT.
- Nhà mạng tính phụ phí khi khách hàng sử dụng ứng dụng OTT.
- Nhà mạng cũng phát triển riêng các dịch vụ OTT để cạnh tranh.
- Nhà mạng hợp tác với nhà cung cấp OTT để có gói cước đặc biệt có thể dùng được OTT.
Không ảnh hưởng thông tin mạng xã hội
Hiện Facebook cũng có chức năng tin nhắn thoại ở Facebook Messenger. Dự thảo trên chỉ áp dụng cho dịch vụ gọi và nhắn tin trên nền Internet, không ảnh hưởng đến nội dung ứng dụng mạng xã hội. Do đó, nếu có ảnh hưởng thì cũng chỉ ảnh hưởng phần Messenger, không ảnh hưởng đến thông tin mạng xã hội.
Theo Pháp luật TP.HCM
إرسال تعليق