Có hàng triệu cuốn sách viết về đề tài “cân bằng giữa cuộc sống và công việc”, nhưng thực tế chúng ta không thể nào cân bằng được nếu làm việc tận năm ngày mà chỉ được nghỉ có hai ngày.
Cristian Ángel là nhà đồng sáng lập công ty giáo dục tài chính MejorTrato đồng thời là giảng viên Đầu tư và Phát triển Công nghệ tại Đại học Công giáo (Catholic University). Anh cùng cộng sự, kỹ sư Hernán Amiune, đều từng làm lập trình viên tại IBM và Intel khi còn theo học đại học. Trong 8 năm qua họ đã thực hiện dự án elMT về mô hình làm việc mới, loại bỏ dần những thứ họ không đồng tình khi còn làm nhân viên.
Làm việc không cần sếp giám sát
Cristian Ángel đưa ra những nguyên nhân chính khiến họ quyết định làm việc mà không cần sếp:
Đối với công ty phần mềm như MejorTrato, các giám đốc nhiều khi không có đủ kiến thức công nghệ để đánh giá đúng quá trình làm việc của bạn. Nếu phải liên tục báo cáo tiến độ cho sếp, bạn vừa lãng phí thời gian lại vừa bị gián đoạn công việc.
Những cuộc họp liên tục khiến thời gian lập trình bị ngắt quãng
Nhiều rắc rối nảy sinh khi những lập trình viên, người thực sự tiến hành công việc không được quyền quyết định, thay vào đó lại là ông chủ của họ.
Chỉ nên làm việc bốn ngày một tuần
Ông chủ của dự án trình bày những ly do rất thuyết phục:
Có hàng triệu cuốn sách viết về đề tài “cân bằng giữa cuộc sống và công việc”, nhưng thực tế chúng ta không thể nào cân bằng được nếu làm việc tận năm ngày mà chỉ được nghỉ có hai ngày. Thời gian dành cho gia đình và cuộc sống cá nhân quá ít ỏi.
Thu hút được nhiều thành viên mới có năng lực xuất sắc tham gia đội ngũ của dự án elMT và quan trọng hơn, giữ được những nhân tài đó về làm việc cho công ty.
Một điểm đáng chú ý khác là họ nhận thấy số lượng những lần xin nghỉ ốm hoặc nghỉ phép để đi khám có xu hướng giảm. Đây là tín hiệu tích cực về cải thiện môi trường làm việc. Theo bác sĩ John Ashton, chúng ta nên chuyển sang làm việc bốn ngày một tuần để có thể giảm đáng kể lượng stress ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.
Cuối cùng, khi bắt đầu tuần mới vào thứ hai, chúng ta sẽ cảm thấy hoàn toàn sảng khoái và sẵn sàng làm việc trở lại. Chất lượng công việc hoàn thành chắc chắn cũng cao hơn nhiều. Trong thời đại công nghệ như ngày nay, chất lượng chứ không phải số lượng mới là nhân tố quyết định.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), người Đức dành ít thời gian làm việc hơn các quốc gia khác, nhưng lại hiệu quả hơn đến 30%. Trong trường hợp chúng ta chỉ làm việc bốn ngày thay vì năm ngày một tuần, thời gian làm chỉ giảm đi 20%. Như vậy, nếu làm việc hiệu quả trong bốn ngày, năng suất của chúng ta thậm chí còn cao hơn năm ngày.
Để mô hình làm việc mới phát huy hiệu quả, Cristian Ángel đã áp dụng những chính sách sau:
1. Chỉ tuyển dụng kỹ sư (lập trình viên). Mỗi thành viên của nhóm dự án đều phải có kiến thức công nghệ, từ người phụ trách dịch vụ khách hàng cho đến nhân viên marketing.
2. Liên tục đổi vị trí. Người phụ trách dịch vụ khách hàng tháng này sẽ đảm nhận việc lập trình cho tháng sau và phụ trách bán hàng tháng kế tiếp. Nghe có vẻ kỳ quặc, nhưng những lợi ích phương pháp này đem lại thì thật phi thường.
Chẳng hạn khi khách hàng gọi tới, thắc mắc tại sao họ không thể chạy ứng dụng và miêu tả rắc rối mình gặp phải. Trong trường hợp này, không ai có thể xử lý vấn đề tốt hơn một kỹ sư, nhất là khi họ chính là người lập trình ứng dụng đó. Theo Steve Blank, giảng viên Đại học Stanford: “Mối liên hệ giữa người phát triển sản phẩm với khách hàng phải trực tiếp và liên tục”.
3. Chỉ tuyển những người chủ động. Dự án elMT chỉ tuyển những kỹ sư tự giác làm việc mà không cần ai giám sát.
Để lựa chọn được những người như vậy, họ sẽ đưa ra câu hỏi sau trong cuộc phỏng vấn: Đâu là dự án bạn thích nhất? Ứng viên phù hợp là người trả lời về một vấn đề anh ta phát hiện ra và giải thích chi tiết cách anh ta giải quyết nó. Ngược lại, người thụ động sẽ kể về một dự án mà sếp giao cho họ và cách họ xử lý theo những gì được chỉ dẫn.
4. Loại bỏ các cuộc họp và email. Đây là phần quan trọng nhất trong dự án, lập trình viên sẽ không phải lãng phí thời gian hay gián đoạn công việc để đi họp. Họ cũng không dùng email vì chúng chẳng khác nào một danh sách công việc lúc nào cũng treo trên đầu.
Dự án thực hiện thành công những điều trên vì Cristian Ángel cùng các đồng nghiệp đã phát triển một bảng điều khiển nội bộ liệt kê tất cả những dự án mà nhân viên đang thực hiện. Họ biết rõ từng thành viên đang sử dụng thời gian để làm gì và có thể tham gia những dự án mình cảm thấy hứng thú.
Dự án này sẽ thay đổi hoàn toàn phương pháp làm việc của bạn, từ làm việc theo kiểu bị các sếp đốc thúc thành chủ động tham gia các dự án với sự trợ giúp từ công ty .
MejorTrato là một công ty phần mềm, do đó tùy đặc thù từng công ty mà cách áp dụng dự án trên cũng khác nhau. Chú ý rằng bạn phải bắt đầu với một nhóm nhỏ, chỉ tuyển dụng những người chủ động làm việc và học hỏi. Đó là chìa khóa dẫn đến thành công.
Thu Thảo
Theo Infonet/Entrepreneur
إرسال تعليق