Tháng 7 vừa qua, kẻ gian đã dò sóng và sao chép mã số cửa cuốn được mua từ Trung Quốc để mở cửa đột nhập cửa hàng máy ảnh DigiWorld Hà Nội, lấy đi lượng hàng trị giá lên tới gần 1 tỉ đồng. Đến tháng 9, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, Tập đoàn Austdoor chuyên sản xuất về cửa cuốn đã tổ chức một buổi họp báo để giới thiệu ngay công nghệ chống phá cửa cuốn đến người tiêu dùng.
Theo thông tin được cung cấp từ Austdoor, với công nghệ biến thiên mã code tự động (Austmatic rolling code – ARC), hệ điều khiển cửa cuốn Austdoor có khả năng sinh ra hàng tỉ mã ngẫu nhiên, không lặp lại sau mỗi lần sử dụng khiến kẻ gian không thể đột nhập.
Đây cũng chính là phần câu chuyện được chúng tôi bắt đầu với ông Dương Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Austdoor, vào một ngày giữa tháng 9 tại trụ sở Austdoor ở Hà Nội.
Theo ông Tuấn, ARC đã được Austdoor phát triển từ lâu và nó là một phần trong các giải pháp mà Ausdoor đưa ra thị trường. Tuy nhiên, hệ thống điều khiển của Austdoor có giá cao hơn của Trung Quốc nên nhiều khách hàng mua cửa cuốn Austdoor nhưng lại sử dụng hệ điều khiển công nghệ mã cố định (fixed code) của Trung Quốc.
Ông Tuấn không chia sẻ nhiều về chiến lược marketing mới này của Austdoor, nhưng theo một số chuyên gia trong lĩnh vực marketing, Austdoor đang sử dụng chiêu thức đánh vào lòng sợ hãi của khách hàng mà một vài doanh nghiệp trong lĩnh vực tiêu dùng từng sử dụng thành công trong mấy năm qua.
Ý tưởng kinh doanh cửa cuốn được ông Tuấn phát hiện một cách tình cờ. Ông kể, trước khi thành lập Austdoor, ông kinh doanh trong lĩnh vực thiết bị máy công nghiệp. Năm 2002, trong một chuyến công tác dự triển lãm một hội chợ tại Úc ông phát hiện tại đất nước này đang sử dụng loại cửa cuốn có tính năng khác biệt với cửa Trung Quốc hoặc Đài Loan đang sử dụng tại Việt Nam.
Trở về Việt Nam, ông cùng 5 người bạn quyết định thành lập Austdoor. Họ nhận chuyển giao dây chuyền công nghệ từ Tập đoàn BnD Australia đưa cửa cuốn công nghệ Úc về Việt Nam.
Năm 2013 doanh thu của Tập đoàn đạt khoảng 600 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng hằng năm của Austdoor đạt từ 15%-20%.
Sau hơn 10 năm, Austdoor hiện là một tập đoàn có 5 công ty thành viên, 4 nhà máy có trụ sở khắp nước và gần 1.000 nhân viên. Theo ông Tuấn, năm 2013 doanh thu của Tập đoàn đạt khoảng 600 tỉ đồng. Đặc biệt, mặc dù lĩnh vực vật liệu xây dựng vốn bị ảnh hưởng nhiều nhất trong đợt khó khăn nhưng tốc độ tăng trưởng hằng năm của Austdoor vẫn đạt từ 15%-20%.
“Không có cột mốc nào đặc biệt trong quá trình phát triển của Austdoor. Chúng tôi phát triển qua từng năm, từng nhà máy”, ông Tuấn nói khi được hỏi về đâu là những cột mốc quyết định giúp Austdoor phát triển trong hành trình 10 năm của Công ty.
Thế nhưng, trong lĩnh vực được cho là khá cạnh tranh với chiến lược theo đuôi của nhiều thương hiệu, thì việc nắm giữ 35%-40% thị phần cửa cuốn ở Việt Nam là một câu chuyện không hề đơn giản. Vậy đâu là chiến lược của Austdoor?
“Nắm bắt được thị hiếu của thị trường, coi việc cải tiến và phát triển công nghệ là yếu tố cốt lõi”, ông Tuấn cho biết. Theo ông, chính những yếu tố này đã khiến nhiều đối thủ của Austdoor không theo kịp.
Chiến lược này thể hiện khá rõ nếu nhìn vào quá trình phát triển sản phẩm của Austdoor. Từ cửa cuốn cơ bản đến ứng dụng thành công hệ thống đảo chiều khi gặp chướng ngại vật; hệ điều khiển ARC; công nghệ truyền động Austmatic bảo vệ con người… và đến nay là dòng sản phẩm cửa cuốn Aluroll 2013 khe thoáng thế hệ mới.
Một chiến lược khác giúp Austdoor vẫn duy trì tăng trưởng được ông Tuấn chia sẻ, chính là nhanh chóng thay đổi nhóm khách hàng mục tiêu: tập trung bán lẻ cho người dân chứ không phải là khách hàng doanh nghiệp như trước đây.
Ông cũng chọn áp dụng mô hình phân phối qua các đại lý thay vì mở cửa hàng như các đối thủ để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Hiện Austdoor đã có hơn 200 đại lý phủ rộng trên cả nước.
Bên cạnh đó, Austdoor đã mở rộng ra các thị trường các nước trong khu vực như Lào, Thái Lan để gia tăng sản lượng. Hiện xuất khẩu chiếm khoảng 15% trong tổng cơ cấu doanh thu của Austdoor.
Không chỉ giúp duy trì tốc độ tăng trưởng, việc tập trung vào nhóm khách hàng bán lẻ khiến ông Tuấn nhận ra rằng, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất cửa của Việt Nam, ngay cả Austdoor chỉ mới đi vào tầng lớp trên cùng của thị trường cửa, tức phân khúc cấp cao.
Ông lý giải, trong một căn nhà thì có thể phân loại cửa thành 03 nhóm, như: Nhóm cửa bảo vệ (bao gồm cửa cuốn, cửa kéo, cửa sắt…); Nhóm cửa mặt ngoài (bao gồm cửa ban công, cửa sổ, vách kính…); Nhóm cửa thông phòng (bao gồm cửa thông phòng và cửa nhà vệ sinh).
“Nhóm sản phẩm thứ 3 có nhu cầu thị trường rất lớn, từ nông thôn đến thành thị. Nhưng hiện sản phẩm hầu hết được làm thủ công và sử dụng gỗ tự nhiên dẫn tới việc khai thác rừng lấy gỗ, gây ảnh hưởng không tốt tới môi trường. Austdooor sẽ tham gia phân khúc này bằng dòng sản phẩm gỗ nhân tạo”, ông Tuấn chia sẻ về chiến lược mới của Austdoor.
“Phải chọn lấy một mục tiêu và xác định con đường đi cho riêng mình. Thành công hay thất bại trong kinh doanh là do thái độ trong suy nghĩ nhiều hơn là khả năng suy nghĩ.”
“Với sản phẩm sản xuất từ nguồn gỗ trồng, được xử lý qua các bước: xay, trộn đồng nhất, gia nhiệt đùn ép bằng quy trình công nghệ hiện đại theo quy mô lớn sẽ đảm bảo chất lượng ổn định và giá thành cạnh tranh. Đây sẽ là hướng đi bền vững cho Austdoor, đồng thời góp phần giảm nạn chặt phá rừng bừa bãi, đảm bảo cân bằng môi trường sinh thái”, ông Tuấn khẳng định.
Hiện nhà máy sản xuất dòng sản phẩm mới này đã được xây dựng xong và sẽ được Austdoor tung ra thị trường trong thời gian ngắn sắp tới với một thương hiệu khác.
Khá kín tiếng với truyền thông, nên giới kinh doanh cũng biết không nhiều về vị doanh nhân sinh năm 1969 này. Ông đã gầy dựng nên Austdoor, nhưng ít người biết rằng, ông cũng đã đôi lần vấp ngã trong kinh doanh.
Năm 2009, ông liên doanh liên kết với nhiều doanh nghiệp với nhiều ngành nghề khác nhau. Nhưng sự khó khăn của thị trường cũng như việc đầu tư dàn trải đã khiến những khoản đầu tư này đều không đạt kết quả như mong đợi. Ông bán hết các khoản vốn đầu tư và quyết định quay về với ngành cửa.
“Phải chọn lấy một mục tiêu và xác định con đường đi cho riêng mình. Thành công hay thất bại trong kinh doanh là do thái độ trong suy nghĩ nhiều hơn là khả năng suy nghĩ. Nghệ thuật là con đường đẹp đẽ, khoa học là con đường hiệu quả nhưng kinh doanh là con đường sinh lợi”, ông Tuấn nói khi nhận được câu hỏi, đâu là bài học có ý nghĩa nhất đối với ông trong quá trình kinh doanh.
إرسال تعليق