6 triết lý thiết kế làm nên logo Swoosh trị giá 26 tỷ USD của Nike: Ứng dụng tâm lý học hình dạng, tận dụng khoảng không gian trống để tạo sự đẳng cấp

Ra đời vào năm 1971 với một xuất phát điểm khiêm tốn khi được thiết kế bởi một sinh viên đại học với mức giá chỉ 35 USD, đến nay, logo Swoosh biểu tượng của Nike đã trở thành nhận diện thương hiệu mạnh nhất trên thế giới với mức định giá lên đến 26 tỷ USD.


Thành công của Swoosh được thể hiện ở chỗ ngay cả khi không cần tên thương hiệu hay dòng slogan nào, biểu tượng này vẫn có khả năng khiến người dùng lập tức nhớ đến Nike và liên tưởng đến một thương hiệu thể thao đẳng cấp, chuyên nghiệp. Làm thế nào để Nike có thể biến một logo có vẻ ngoài khá đơn giản trở thành một "biểu tượng" có sức sống bền bỉ và sức lan toả mạnh mẽ trên toàn cầu? Cùng tìm hiểu 6 triết lý thiết kế được thương hiệu sử dụng qua bài viết sau!


Khoảng trống (White space)


White space, hay còn được gọi là negative space (không gian âm), là khoảng không gian trống giúp bộ não con người phân tách hoặc nhóm các yếu tố trong một bản thiết kế lại với nhau một cách nhanh chóng. Nói một cách dễ hiểu, đây là phần khoảng trống không có nội dung, giúp cho các thành phần quan trọng của bản thiết kế trở nên nổi bật và dễ phân biệt hơn đối với người xem.


Triết lý white space trong thiết kế logo của Nike có thể dễ dàng được nhận biết qua hình ảnh logo swoosh nằm độc lập và tách biệt so với phông nền. Khoảng không gian trống chiếm đa số trong thiết kế đã giúp logo của thương hiệu nổi bật hơn, trở thành một điểm nhấn dù cho ở bất kỳ nền đen, trắng hay bất kì màu sắc, chất liệu nào khác.



Bên cạnh đó, việc sử dụng white space làm điểm nhấn còn mang lại cho logo của Nike cảm giác sang trọng và tinh tế, khiến cho thương hiệu trở nên có giá trị hơn trong mắt người dùng. Điều này tương tự như việc các đĩa thức ăn đắt tiền tại nhà hàng năm sao thường được bày trí gọn gàng với không gian trống lớn, trong khi những phần thức ăn tại quán ăn gia đình hầu hết đều “đồ sộ” với nhiều thành phần, chi tiết và gần như không có vùng trống.


Một ví dụ khác của việc tận dụng white space vào trong thiết kế logo chính là FedEx (Federal Express). Nhìn vào logo của FedEx, người ta có thể dễ dàng bị thu hút bởi sự tương phản giữa màu sắc các chữ cái và phần khoảng trống còn lại. Tuy nhiên, điểm đặc trưng đáng chú ý của logo này còn nằm ở việc thương hiệu đã khéo léo tận dụng white space để tạo thành hình ảnh một mũi tên ẩn giữa chữ cái E và x, từ đó truyền đạt thông điệp về sự nhanh chóng và hiệu quả của dịch vụ vận chuyển.



Độ tương phản (Contrast)


Một nguyên tắc cơ bản khi thiết kế nhận diện thương hiệu là đảm bảo rằng các yếu tố của logo trở nên nổi bật trong mắt người xem, đặc biệt là tên và biểu tượng thương hiệu. Các đối tượng trong logo không nên hòa quyện với nền, hoặc khó nhận biết trên phông nền đó. Lúc này, độ tương phản là một trong những yếu tố quan trọng nhất cần phải được cân nhắc trước khi thiết kế. 


Với trường hợp của Nike, có thể thấy, thương hiệu đã hiểu rõ tầm quan trọng của độ tương phản trong thiết kế và từ đó tạo ra những biến thể logo màu đen, trắng. Việc lựa chọn hai màu cơ bản, có độ tương phản cao giúp cho logo của thương hiệu trở nên nổi bật trên bất kỳ phông nền nào.



Ngoài màu sắc của logo, độ tương phản còn thường được thương hiệu tận dụng trong thiết kế hình ảnh truyền thông, giúp người xem có thể dễ dàng hướng sự tập trung vào chủ thể chính của bức ảnh và từ đó giúp thương hiệu kể chuyện, truyền tải thông điệp một cách hiệu quả.



Tâm lý học hình dạng (Psychology of shapes)


Hình dạng và phông chữ trong thiết kế có tác động lớn đến cách người tiêu dùng cảm nhận cái “vibe” và tính cách thương hiệu. Vòng tròn, đường cong hoặc các góc bo tròn thường mang đến cho người xem một ấn tượng vui vẻ, mềm mại và thoải mái. Những vật thể có hình dạng sắc nét, nhiều mũi nhọn tạo cảm giác năng lượng, quyết liệt và nhiệt tình. Trong khi đó, hình vuông gợi cảm giác cân bằng và vững chãi. 


Đối tượng khách hàng mục tiêu của Nike là vận động viên nói riêng và những người yêu thể thao nói chung, sở hữu tính cách quyết liệt nhưng cũng tràn đầy năng lượng tích cực và sự thoải mái. Nhiều trong số họ cũng giàu có và ổn định. Nhìn chung, đối tượng khách hàng mục tiêu của Nike có sự đa dạng trong tính cách, đặc điểm nhân khẩu và cách tiếp cận qua tâm lý học hình dạng thông thường khó có thể đáp ứng được tất cả các nhóm đối tượng đó. Vậy Nike đã làm thế nào với logo của mình?



Theo đó, thương hiệu đã kết hợp cả ba loại hình dạng trên để tạo ra một logo vừa có đường cong bo tròn ở phần bụng của dấu swoosh, vừa có các cạnh sắc nhọn ở phần đầu và đuôi, đại diện cho năng lượng tích cực của thương hiệu. Trong khi đó, trước khi chính thức bị loại bỏ vào năm 1995, chữ “Nike” trong logo cũng được thiết kế vuông vức, đại diện cho sự ổn định và phát triển bền vững của thương hiệu.



Chuyển động (Movement)


Khi các yếu tố thiết kế được hình thành và bày trí theo cách khiến cho ánh mắt của người xem bị thu hút vào một hướng cụ thể, đó được gọi là "chuyển động" trong thiết kế. Nike đã thêm chuyển động vào logo của họ thông qua biểu tượng swoosh, đồng thời, để khiến cho chuyển động này trở nên “thật” hơn, phông chữ từ “NIKE” cũng được thương hiệu thiết kế nghiêng về phía bên phải. Từ đó, người xem dễ dàng đọc tên thương hiệu một cách tự nhiên thông qua sự di chuyển tiềm thức của ánh mắt từ trái sang phải.


Tính nhất quán (Consistency) 


Tính nhất quán là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu giúp người tiêu dùng nhớ đến logo và từ đó liên kết với thương hiệu. Việc nhất quán trong thiết kế logo giúp xây dựng sự tin tưởng, lòng trung thành của khách hàng và giúp thương hiệu tiết kiệm thời gian, nỗ lực trong việc tạo ra nhận thức về thương hiệu mỗi khi có sự thay đổi nhỏ. 



Giống như các thương hiệu khác, logo của Nike đã trải qua nhiều thay đổi trong suốt nhiều thập kỷ. Điều duy nhất không thay đổi kể từ năm 1971 là biểu tượng swoosh và vị trí của những thành phần chính trong thiết kế. Phiên bản logo hiện tại được sử dụng từ năm 1995 được Nike loại bỏ tên thương hiệu nhằm tạo thêm không gian và giúp người dùng tập trung vào biểu tượng kinh điển của mình. Tính nhất quán trong màu sắc, font chữ, hình dạng hoặc thậm chí là chuyển động trong logo của Nike khiến cho hình ảnh dấu Swoosh bám chặt vào tâm trí người xem, giúp họ dễ dàng liên tưởng đến thương hiệu chỉ với một hình ảnh đơn giản. 


Ý nghĩa (Meaning) 


Một thương hiệu nếu muốn để lại ấn tượng lâu dài cho người tiêu dùng, thì thương hiệu đó bắt buộc phải có các giá trị cố định. Và ý nghĩa được thể hiện thông qua logo là một công cụ hiệu quả thương hiệu chứng minh giá trị của mình.


Nhìn vào logo của Nike, hầu hết người dùng nghĩ rằng đó đơn giản chỉ là một dấu tick. Trên thực tế, biểu tượng “swoosh” này lại mang một ý nghĩa sâu sắc hơn. Theo bà Carolyn Davidson - tác giả của logo, dấu swoosh được lấy cảm hứng từ đôi cánh của Nike - vị thần chiến thắng trong thần thoại hy lạp. Chiến thắng là điều mà mọi vận động viên, người yêu thể thao (hay nói cách khác là đối tượng khách hàng mục tiêu của Nike) đều theo đuổi.



Tinh thần đánh bại thử thách, vượt qua khó khăn để chạm đến chiến thắng cũng chính là những gì Nike thường xuyên truyền tải xuyên suốt các chiến dịch truyền thông của mình, thể hiện qua câu khẩu hiệu “Just Do It”. Có thể thấy, thương hiệu đã truyền tải trọn vẹn giá trị của một người yêu thể thao thông qua logo tưởng chừng như đơn giản nhưng lại hàm chứa nhiều ý nghĩa đặc biệt.


Thảo Vy

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn