Để đạt mục tiêu đóng góp trên 1/3 GDP của TP.HCM như mong muốn, thành phố phía Đông cần thu hút ít nhất trên nửa triệu dân mới, cộng thêm vào khoảng một triệu dân cư hiện hữu. Con người có chất lượng chính là sự hấp dẫn về giá trị cho thành phố phía Đông.
Dự án phát triển thành phố phía Đông trực thuộc TP.HCM, từ việc sáp nhập ba quận (quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức) đang được kỳ vọng có thể tạo những đột phá phát triển mạnh mẽ theo hướng tri thức – sáng tạo – công nghệ cao – hiện đại, giúp tăng năng lực cạnh tranh cho TP.HCM.
Đây sẽ là cửa ngõ phía đông để kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các cơ sở sẵn có như các khu đại học (đào tạo và nghiên cứu), khu công nghệ cao (nghiên cứu và sản xuất tiên tiến), khu đô thị mới Thủ Thiêm (trung tâm tài chính và kinh doanh). Mối liên kết đó dựa trên hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung đã và đang được hoàn thiện (như xa lộ Hà Nội, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên, đường Phạm Văn Đồng... ).
Do vậy, thành phố phía Đông có triển vọng phát triển thành đô thị động lực quan trọng của TP.HCM, là đầu mối liên kết và hợp tác vùng với các tỉnh Bình Dương – Đồng Nai – Bà Rịa-Vũng Tàu, để góp phần quan trọng trong việc nâng cao vị thế và tính cạnh tranh quốc tế của TP.HCM nói riêng, và của vùng đô thị TP.HCM nói chung, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của cả nước trong thế kỷ 21.
Năm vấn đề chiến lược Để biến những kỳ vọng trên thành hiện thực, TP.HCM phải đối mặt với nhiều thử thách rất lớn. Do đó cần phải đặc biệt lưu ý năm vấn đề chiến lược.
Thứ nhất, công nghệ cao và hiện đại là yếu tố quan trọng hàng đầu cần phải được gắn kết trong suốt quá trình hình thành và phát triển đô thị sáng tạo tương lai của thành phố phía Đông. Điều này bao hàm trong mọi hoạt động của các khu vực chức năng trong đô thị, từ thông tin số kết nối toàn cầu, đến việc giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới với công nghệ cao có thể sản xuất cung ứng cho thế giới, vận chuyển logistics nhanh chóng và hiệu quả, và điều hành quản lý đô thị theo mô hình thông minh trong thời đại số và thông tin mạng.
Thứ hai là cơ cấu quy hoạch bền vững. Việc phát triển thành phố phía Đông không nên chỉ tập trung vào các dự án khu đô thị mới, bao gồm các dự án địa ốc, phục vụ cho từ nửa triệu đến một triệu cư dân mới với trình độ cao và thu nhập cao, mà còn phải chú trọng việc chỉnh trang các khu đô thị hiện hữu, cho khoảng một triệu cư dân hiện hữu.
Cả hai nhóm dự án quy hoạch này cần được phát triển trong tương quan kết nối với các khu đô thị trong TP.HCM cũng như trong vùng đô thị TP.HCM. Do vậy, ngay từ đầu, cần xác định rõ những định hướng bảo tồn, chỉnh trang, và phát triển cho thành phố phía Đông.
Có như vậy, mới có thể tạo điều kiện cho phát triển bền vững phục vụ dân sinh, với sự hợp tác đa ngành và đa chiều, đa lĩnh vực, giữa các sở ngành của thành phố, giữa các địa phương trong vùng đô thị, giữa các đơn vị công và tư, giữa chính quyền, doanh nghiệp, đơn vị, và người dân.
Thứ ba, việc quy hoạch, phát triển, và vận hành thành phố phía Đông phải được định hướng trên tư duy liên kết vùng, tạo điều kiện để cùng phát triển trên cơ sở lợi ích chung. Nếu bó hẹp trong tư duy cục bộ của đô thị, gom hết lợi ích về cho địa phương, sẽ không tạo sức mạnh cộng hưởng tổng hợp, giúp vùng đô thị TP.HCM có thể cạnh tranh với các vùng đô thị của Manila, Bangkok, Thượng Hải, Thâm Quyến...
Thành phố phía Đông có lợi thế về đầu mối hệ thống các loại giao thông, với kết nối vùng đến khu trung tâm TP.HCM – cũng là trung tâm của vùng đô thị TP.HCM. Do đó, việc quy hoạch hệ thống giao thông kết nối vùng của thành phố phía Đông cần được kết nối tốt với các hạ tầng trọng điểm về giao thông của các tỉnh thành lân cận như sân bay Quốc tế Long Thành, ga xe lửa Sóng Thần, cụm cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải...
Thứ tư, nhu cầu phát triển cần một nguồn vốn đầu tư khổng lồ, không thể dựa vào nguồn vốn hạn chế của ngân sách, mà cần phải huy động được nguồn vốn đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài. Do đó, chúng ta cần một cơ chế đặc thù thoáng mở, phù hợp với tư duy kinh tế thị trường.
Một mặt có thể tạo ra các cơ hội thu hút đầu tư từ những tập đoàn kinh tế lớn trong nước và nước ngoài, mặt khác có thể ngăn ngừa tình trạng đầu cơ địa ốc, phát triển kém bền vững thiếu trách nhiệm xã hội, và tiêu cực lợi ích nhóm, đẩy giá đền bù giải tỏa và chi phí hạ tầng lên quá cao, có thể gây hại đến tính khả thi của việc thực hiện các dự án trọng điểm.
Cuối cùng, xây dựng cuộc sống an cư lạc nghiệp trong một đô thị đáng sống hàng đầu thế giới cho thành phố phía Đông sẽ là yếu tố quan trọng nhất trong việc thu hút và phát triển cộng đồng dân cư chất lượng cao cho đô thị - là những người trực tiếp thực hiện những kỳ vọng lớn lao dành cho thành phố phía Đông.
Kinh nghiệm thực thi Đề xuất thành lập thành phố phía Đông trực thuộc TP.HCM là sự khởi đầu cho xu hướng phát triển tiên tiến, với cơ cấu đô thị đa trung tâm, tránh việc phát triển TP.HCM thành một siêu đô thị quá lớn trên chục triệu dân. Thay vào đó, phân chia lại TP.HCM với đô thị trung tâm là nội thành, các khu đô thị lân cận gồm Đông – Tây – Nam – Bắc, tổ chức lại thành nhiều đô thị vệ tinh bao quanh đô thị trung tâm.
Là một dự án lớn chưa có tiền lệ tại Việt Nam, chúng ta có thể tham khảo nhiều kinh nghiệm phát triển quốc tế như dự án Phố Đông Thượng Hải và thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc), dự án phát triển khu đô thị phía Tây Paris bao gồm trung tâm mới La Défense (Pháp), dự án đô thị khoa học Tsukuba tại Nhật… trong quá trình tạo lập nên một đô thị mới công nghệ cao và hiện đại tiên tiến hàng đầu.
Chính quyền cần cẩn trọng trong việc chọn vị trí khu trung tâm của thành phố mới, vừa đóng vai trò đầu mối trong việc cung cấp tài chính cho các dự án, vừa gần gũi với bộ máy quản lý trung tâm của TP.HCM, để cùng nhau vận động và thực thi những chủ trương chính sách mới của cơ chế đặc thù.
Thủ Thiêm nên được chọn là đầu mối trung tâm, với vị thế tương tự Phố Đông Thượng Hải, vừa là trung tâm mới của thành phố phía Đông, vừa là trung tâm mới-hiện đại-cao tầng của TP.HCM, với chức năng kinh tế - tài chính - dịch vụ quốc tế, đóng vai trò kết nối toàn cầu, và cung cấp nguồn vốn tài chính cho các dự án trọng điểm của thành phố phía Đông cũng như của vùng đô thị TP.HCM.
Bên cạnh đó, TP.HCM có thể tham khảo cơ chế đặc biệt mà chính quyền trung ương Trung Quốc trao cho Phố Đông Thượng Hải. Trong đó, vị chủ tịch của Phố Đông Thượng Hải có quyền hành ngang với phó chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Thượng Hải, chịu trách nhiệm chính, đi kèm nhiều quyền hạn, trong việc thu hút vốn đầu tư, chứ không phải chờ xin phép cấp “thành phố mẹ”, rồi trung ương.
Nếu chính quyền của thành phố phía Đông chỉ có được quyền hạn của một quận lớn mà thôi, thì mọi quyết định lớn nhỏ liên quan đến các dự án phát triển sẽ vẫn phải thông qua UBND TP.HCM. Lúc đó, ý nghĩa của “thành phố trong thành phố” chỉ còn là tên gọi, không nói lên thực chất.
Để đạt mục tiêu đóng góp trên 1/3 GDP của TP.HCM như mong muốn, thành phố phía Đông cần thu hút ít nhất trên nửa triệu dân mới, cộng thêm vào khoảng một triệu dân cư hiện hữu. Trong số cư dân mới, lao động chính của hộ gia đình phải có trình độ cao, có kỹ năng, tay nghề, kiến thức và làm việc trong những ngành nghề có thu nhập cao. Con người có chất lượng chính là sự hấp dẫn về giá trị cho thành phố phía Đông.
(*) Ông Ngô Viết Nam Sơn là kiến trúc sư, chủ tịch Ngoviet Architects & Planners
(**) Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 90, tháng 11.2020
Nguồn: Forbes Việt Nam
Đăng nhận xét