Chiến lược thương hiệu là khía cạnh quyết định sự thành bại đường dài của một doanh nghiệp. Uniqlo mang đến câu chuyện như thế, với sự đơn giản được cho là có thể thống trị làng thời trang thế giới.
* Bước đi mang đến sự chuyển đổi
Thật không quá lời khi nói lông cừu là "linh hồn" giúp định hình thương hiệu Uniqlo.
Ngược trở lại năm 1998, Uniqlo mở cửa hàng đầu tiên tại Tokyo và bằng một cách ngẫu nhiên nào đó, thương hiệu Nhật Bản chọn lông cừu là chất liệu chính cho dòng sản phẩm “đinh” của mình.
Tính đến thời điểm đó, sản phẩm lông cừu là một món đồ đắt đỏ, thường chỉ được mặc bởi các vận động viên leo núi, những người hoạt động thể chất không có hứng thú nhiều với thời trang.
Song lông cừu của Uniqlo, chất liệu mà chỉ một năm sau đó đã được biến hóa thành 50 sắc màu khác nhau, thực sự là một cú hích.
Được tung ra đúng thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, sản phẩm lông cừu như một “thỏi nam châm” cũng một phần bởi mức giá vừa túi tiền.
Sản phẩm của Uniqlo được bán với giá chỉ 1.900 yen (19 USD)/chiếc, bằng một nửa mức giá tại các cửa hàng khác. Kết quả là, 2 triệu sản phẩm đã được bán ra chỉ trong 12 tháng và trong vòng hai năm, lượng sản phẩm được bán ra đủ mặc cho gần 1/3 dân số Nhật Bản.
Các thập niên sau đó, chất liệu lông cừu được ứng dụng trong ngày càng nhiều sản phẩm, với thiết kế ngày càng tiện lợi, làm tăng tính hiệu quả của sản phẩm.
Sản phẩm của Uniqlo không là những sản phẩm duy nhất được Fast Retailing – công ty mẹ của Uniqlo, ứng dụng công nghệ.
Hiện là công ty may mặc lớn thứ ba thế giới với thành công được định hình bởi công nghệ, Fast Retailing có hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) về chuyển đổi cách mọi người sống và làm việc.
Điều này được biểu hiện ở việc doanh thu bán đồ nam tại Mỹ giảm 14% trong giai đoạn năm 2013-2018, theo số liệu từ công ty nghiên cứu Euromonitor. Sự nổi lên của bộ đồ tập thể thao được mặc như bộ đồ thường ngày đồng nghĩa với việc mọi người hiện giờ tập luyện và đi chơi trong cùng một trang phục.
Những bộ đồ thường ngày được cung cấp bởi Uniqlo ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.
* Những đột phá
Không giống các công ty may mặc khác, Uniqlo đo lường cột mốc của mình không theo sản phẩm mang tính dấu ấn mà theo đột phá trong sản xuất.
Sau thành công với chất liệu lông cừu, Uniqlo phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm với chức năng riêng biệt.
Cơ sở công nghiệp Toray nằm ở ngoại ô thành phố Kyoto, Nhật Bản, lâu nay là "trái tim" của những đổi mới công nghệ cao này.
Người sáng lập Uniqlo Yanai Tadashi lên nắm quyền điều hành Toray trong những năm cuối thập niên 90 nhằm phát triển vật liệu cho sản phẩm lông cừu.
Ngày nay, hơn 1.000 nhà nghiên cứu làm việc ngày đêm tại Toray nhằm phát minh ra các vật liệu mới.
Thuở sơ khai, ông Yanai hướng đến việc đưa Uniqlo trở thành phiên bản Nhật Bản của Gap, bán các bộ đồ đơn giản, có tính ứng dụng. Song qua hơn 10 năm qua, công ty của ông đã phát triển ra quốc tế và vượt lên trên cả các thương hiệu từng truyền cảm hứng cho Uniqlo.
Sự hiện diện khắp mọi nơi của Uniqlo cũng như tính có thể dự đoán về sản phẩm của công ty này là một thành tố then chốt trong nhận diện thương hiệu của công ty, là cấu thành không thể thiếu trong khát vọng của ông Yanai nhằm đưa Uniqlo trở thành “thương hiệu may mặc toàn cầu thực sự đầu tiên đến từ châu Á”.
Mặc dù vậy, hãng sản xuất đến từ Nhật Bản cũng đang phải gánh chịu những khó khăn nhất định từ những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Uniqlo Nhật Bản báo cáo doanh thu đạt 5,5 tỷ USD trong giai đoạn tháng 1-9/2020, giảm 14,6% so với cùng kỳ năm 2019; lợi nhuận hoạt động giảm 18,1% xuống 737 triệu USD trong bối cảnh bị tác động của đại dịch.
Trong khi đó, Uniqlo International cũng báo cáo doanh thu giảm 17,9% xuống 6 tỷ USD, lợi nhuận hoạt động giảm 58,5% xuống 483 triệu USD trong chín tháng của năm 2020.
Tuy nhiên, Fast Retailing vẫn dự báo lợi nhuận ròng trong cả tài khóa 2020 đạt 85 tỷ yen (792 triệu USD)./.
Đăng nhận xét