Ngành dược có trị giá 6 tỉ USD hàng năm của Việt Nam được kỳ vọng đến năm 2023 sẽ số hóa 100% thông tin và dữ liệu thuốc được cấp phép lưu hành còn hiệu lực, cập nhật lên ngân hàng dữ liệu dược tại drugbank.vn.
Cập nhật tình hình ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi số ngành dược, Cục Quản lý dược (bộ Y tế) từ năm 2018 đã đẩy mạnh cả 4 lĩnh vực của ngành là dịch vụ công trực tuyến, quản lý thuốc, quản lý cơ sở cung ứng thuốc và quản lý chứng chỉ hành nghề, theo thông tin tại buổi lễ công bố số hóa và kế hoạch chuyển đổi số ngành dược do cục Quản lý dược tổ chức sáng 13.8.
Đặc biệt ở lĩnh vực quản lý thuốc, nhằm giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận thông tin về thuốc một cách chính xác và đầy đủ, từ tháng 8.2019 cục đã khai trương ngân hàng dữ liệu ngành dược (drugbank.vn) với thông tin tra cứu của hơn 10.000 thuốc. Cho đến nay, ngân hàng dữ liệu này đã cung cấp dữ liệu của 15.226 thuốc đang được cấp phép lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam.
Để thực hiện kế hoạch Chuyển đổi số ngành dược giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030, cục Quản lý dược kỳ vọng đến năm 2023 sẽ số hóa 100% thông tin, dữ liệu thuốc lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam, cập nhật lên ngân hàng dữ liệu ngành dược.
Cục cũng hướng đến năm 2023 đảm bảo 100% hồ sơ công việc được xử lý trực tuyến (không bao gồm hồ sơ có nội dung mật). 100% các hệ thống thông tin ngành dược được liên thông qua nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu; dữ liệu thông tin của người dân, doanh nghiệp được số hóa và lưu trữ.
Thực tế ở lĩnh vực dịch vụ công trực tuyến, tính đến ngày 30.6, Cục đã hoàn thành và cung cấp 100% tất cả 93 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lên cổng dịch vụ công bộ Y tế. Thống kê từ ngày 1.1 đến nay có hơn 18.000 hồ sơ được xử lý trực tuyến. Cách làm này vừa giúp doanh nghiệp, cá nhân giảm thời gian gửi/nhận hồ sơ, tăng tính minh bạch, dễ theo dõi tiến độ và cắt giảm chi phí…
Bên cạnh đó, để tăng cường quản lý, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, từ tháng 8.2018 đến nay, các nhà thuốc tại 63 tỉnh thành trên toàn quốc đã được triển khai kết nối mạng. Gần 100% trên tổng số hơn 60.700 cơ sở cung ứng thuốc đã có phần mềm, 60% đã liên thông dữ liệu. Hệ thống đã quản lý hơn 7,2 triệu đơn thuốc, 26,7 triệu hóa đơn bán hàng, gần 4 triệu phiếu xuất nhập kho.
Thị trường dược phẩm Việt Nam trị giá 6 tỉ đô la Mỹ và có tốc độ tăng trưởng kép hằng năm 10,5% giai đoạn 2017-2022, theo đánh giá của công ty nghiên cứu BMI. Thị trường có gần 65.500 cơ sở kinh doanh dược, gồm 340 cơ sở sản xuất, xuất nhập khẩu, 4.079 cơ sở bán buôn và 61.000 cơ sở bán lẻ thuốc, theo thống kê của cục Quản lý dược.
Trong thời gian tới, Cục cho biết sẽ tiếp tục phát triển phần mềm kết nối tới tất cả nhà máy để quản lý và có số liệu báo cáo, thống kê của khoảng 700 hoạt chất dùng trong sản xuất thuốc tại Việt Nam.
Đăng nhận xét