Đại dịch Covid-19 làm cho sự chuyển động của các nền kinh tế xã hội toàn cầu trở nên khó đoán định. Dưới đây là 5 xu hướng được nhận diện rõ ràng hơn.

5 xu hướng chuyển động trong đại dịch - ảnh 1

Rich Karlgaard, biên tập viên tại Forbes.

LÚC NÀY, VÀO THỜI ĐIỂM GIỮA NĂM 2020 – hiện đang là một năm tồi tệ – có rất nhiều thứ chúng ta không biết. Có phải Covid-19 sắp chấm dứt? Hay đại dịch này sẽ bùng phát trở lại gây tử vong như đợt hai của bệnh cúm Tây Ban Nha?

Liệu thí nghiệm toàn cầu trong lý thuyết tiền tệ hiện đại sẽ thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế hay chỉ tăng giá tài sản? Tình trạng lạm phát sẽ gia tăng hay giảm phát suy thoái sẽ tiếp tục? Tuy nhiên, có một số xu hướng khác rõ ràng hơn. Dưới đây là năm xu hướng đó:

1. Công nghệ đang tăng tốc: Từ quan điểm theo hướng thung lũng Silicon của tôi, câu chuyện kinh doanh toàn cầu lớn nhất trước COVID-19 là tiến độ phát triển công nghệ đang tăng tốc nhanh chóng, và đang trải qua bước chuyển đổi để đảm bảo sự tăng trưởng liên tục của ngành. Các công ty tương đối mới như ServiceNow và Atlassian nhanh chóng nổi lên.

Công nghệ lớn đã mạnh mẽ tiến vào cuộc khủng hoảng COVID-19 và vẫn mạnh mẽ như vậy. Khách hàng của các doanh nghiệp công nghệ không giảm tiến độ đầu tư của họ. Các CEO ưu tiên cho tốc độ nhanh nhạy. Yêu cầu lớn nhất của họ đối với công nghệ là thời gian hoàn vốn đầu tư nhanh hơn – tính bằng tuần chứ không phải bằng năm.

2. Thị trường đang hi vọng vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất: Tôi đã viết về điều này trong bài viết trước của mình. Các thị trường chứng khoán đã nắm giữ lượng thông tin nhiều hơn mức mong đợi, do lo ngại về khủng hoảng thương mại tương tự cuộc Đại suy thoái trong quý hai.

Những gì thị trường được chứng kiến là sự phục hồi hợp lý nhanh chóng – không phải hình chữ V, mà là “chữ U hẹp”, giống như dự đoán gần đây của Campbell Harvey, giáo sư tại trường Kinh doanh Fuqua thuộc ĐH Duke. Tuy nhiên, có thể mất từ 18 đến 24 tháng để GDP toàn cầu trở về các mức trong tháng 1.2020. Nhưng đến quý ba, tốc độ tăng trưởng sẽ rất ấn tượng so với mức đáy của tháng 3.2020.

3. Tinh thần kinh doanh sẽ tăng nhanh – bởi vì đó là điều bắt buộc: Trong khi một số lĩnh vực như công nghệ và vận chuyển vẫn giữ ổn định, các doanh nghiệp gia đình nhỏ đã bị ảnh hưởng nặng nề, và có tỉ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ. Những yếu tố này sẽ dẫn đến sự bùng nổ trong “tinh thần kinh doanh sinh tồn.”

Lịch sử cho thấy loại hình kinh doanh này – là cách làm truyền thống của những người nhập cư – bền bỉ hơn các công ty khởi nghiệp do những doanh nhân giàu có và có năng lực thể hiện tốt sáng lập nên.

Ở Hoa Kỳ, những năm 1970 là thập niên tệ hại – giá xăng dầu tăng gấp bốn lần, một tổng thống và phó tổng thống đã từ chức, và thị trường chứng khoán mất 45%, từ đỉnh rơi xuống đáy. Tuy nhiên, Apple, Charles Schwab, FedEx, Microsoft và Oracle đã ra đời trong thập niên đó.

4. Chuỗi cung ứng sẽ ngắn hơn và tập trung nhiều hơn vào khu vực: Việc Trung Quốc nổi lên như là trung tâm của nguồn cung toàn cầu có lẽ là câu chuyện lớn nhất thế kỷ này. Nhưng vị thế chỉ huy toàn cầu của Trung Quốc đã đạt đến đỉnh điểm vào năm 2017. Sau đó, Covid-19 bùng phát. “Sự can thiệp xuất phát từ đại dịch Covid-19 là một điều hoàn toàn khác. Điều này khiến nguy cơ quốc gia trở nên rõ nét hơn ở quy mô chưa từng có.

Trước đó, không ai có thể lường trước được điều gì sẽ xảy ra khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ngừng hoạt động và ngắt hoàn toàn các kết nối logistics bên ngoài... Giờ đây, các công ty mới nhận ra được sự phụ thuộc quá mức của họ,” giáo sư Willy Shih của trường kinh doanh Harvard viết như vậy trong số xuất bản gần đây của tạp chí MIT Sloan Management Review.

5. Lý thuyết về dòng vốn của Walter Wriston sẽ không bị lạc hậu: Trong cuốn sách The Twilight of Sovereignty năm 1992, Walter Wriston, chủ tịch quá cố của Citicorp, dự đoán rằng chủ nghĩa tư bản toàn cầu sẽ buộc các quốc gia phải quan tâm đến nguồn vốn – cả về mặt tài chính lẫn con người.

Nếu con người và tiền bạc di động, họ sẽ “đi đến nơi họ được chào đón và ở lại nơi họ được đối xử tốt.” Dĩ nhiên, theo tiêu chuẩn của 28 năm trước, chủ nghĩa tư bản toàn cầu đang lu mờ. Nhưng dòng tiền và tài năng vẫn là một nguồn lực, và không thể bị bất cứ hình thức độc tài nào ngăn chặn.

Lý thuyết của Wriston sẽ chính xác trong quá trình phục hồi của Hoa Kỳ, ở một số tiểu bang và khu vực, bao gồm các trung tâm công nghệ như thung lũng Silicon và Seattle, đang chậm chạp trong việc đón nhận nguồn lực này. Tiền bạc và tài năng sẽ không chờ đợi mãi mãi. Những nơi khác cởi mở hơn đối với tài năng và đầu tư công nghệ, cả ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới, sẽ có cơ hội.

(*) Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 87, tháng 8.2020

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn