Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 lúc này đang có những tác động mạnh mẽ đến nhiều mặt kinh tế xã hội. Kéo theo lợi ích to lớn của cuộc cách mạng này là những phí tổn rất lớn như lao động mất việc, cần đầu tư và xây dựng luật pháp.
Cách mạng Công nghiệp 4.0 lúc này đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh, thậm chí có tới 3 cuộc cách mạng khác đang diễn ra ngay trong cuộc cách mạng công nghiệp lần này. Chưa bao giờ con người có thể kết nối, tương tác với nhau theo thời gian thực đơn giản và hiệu quả như hiện nay. Cuộc cách mạng Công nghiệp lần này cũng có sự tham gia của rất nhiều công nghệ đột phá mới. Cuộc cách mạng lần này cũng đang có những tác động lớn đến đời sống, kinh tế, chính trị và quốc phòng và trở thành một nền tảng đề các quốc gia cạnh tranh với nhau.
Nhưng lúc này Cách mạng Công nghệ 4.0 cũng mang đến những thách thức về việc làm, vấn đề về quyền riêng tư của mỗi cá nhân, thậm chí có cả nguy cơ về chiến tranh mạng giữa các quốc gia.
Dù muốn hay không, cuộc cách mạng này cũng đang diễn ra với tốc độ rất nhanh, đòi hỏi từng quốc gia, từng doanh nghiệp phải trực tiếp tham gia, nắm bắt những lợi thế to lớn của cuộc cách mạng.
Nhưng theo một khảo sát mới đây của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), mới chỉ 35,2% tổ chức đã chuẩn bị và sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần này, 58,7% đã tìm hiểu nhưng chưa sẵn sàng hoặc không biết chuẩn bị gì. Còn có 6,1% không tìm hiểu và chưa biết chuẩn bị ra sao.
Tại Diễn đàn Vietnam ICT Summit 2017 do VINASA tổ chức, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Việt Nam đã nói nhiều về công nghiệp 4.0 và giờ phải là lúc hành động”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại diễn đàn
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Các tổ chức quốc tế chỉ ra rằng, để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, 20 năm tới Việt Nam phải tăng thu nhập tối thiểu trên đầu người 7%, tăng GDP 7,5-8% mỗi năm. Tăng trưởng phải bền vững. Chúng ta có dám dấn thân không? Nhân lực nếu là 'con trâu đi trước, cái cày đi sau' thì không bao giờ thoát được. Chỉ bằng nguồn nhân lực tập trung vào những lĩnh vực mới, có thể tạo ra những bước phát triển đột phá thì may chăng có thể bứt lên được".
Theo TS. Võ Trí Thành, trước Cách mạng Công nghiệp 4.0, Việt Nam đang có những điểm cộng và điểm trừ.
Nước ta đang có nhận thức và ý chí. Nghị quyết của Bộ Chính trị đã coi công nghệ thông tin là một phương thức phát triển mới. Việt Nam lúc này cũng được xem là có lợi thế khi so sánh và có tên trên bản đồ Công nghệ Thông tin thế giới. Ngoài ra đã có nền tảng với 55% người dân sử dụng Internet và khoảng 60% số người dùng sử dụng smartphone.
Thế nhưng vẫn có những điểm trừ, đó là việc triển khai chậm cả về ưu tiên nguồn lực, hành động. Mức độ sẵn sàng cho Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều nước Asean. Nguồn nhân lực có chất lượng và hạ tầng vẫn là vấn đề lớn.
Những ngành nghề hiện nay Việt Nam đang có lợi thế trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là: Công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, du lịch, nông nghiệp và logistics. Do đó để những điểm công của mình phát huy tác dụng, Việt Nam cần tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy chuyển đổi số trong nền kinh tế, thúc đẩy khởi nghiệp và sáng tạo.
TÙNG LINH
BIZLIVE
Đăng nhận xét