Không có gì lạ khi một số người trong lúc đạt những thăng tiến nghề nghiệp cũng đồng thời phải chịu những áp lực và phải gánh vác những trách nhiệm nặng nề hơn, và điều này thường được thể hiện qua cách họ hành xử ngày càng khác thường, kỳ quặc.
Các vị sếp khó tính thường thể hiện ở nhiều dạng khác nhau. Khi nói về sếp khó tính, nhiều người thường nghĩ tới một người sếp mà phong cách lãnh đạo đặc thù là gây căng thẳng cho cuộc sống hàng ngày.
Có rất nhiều những ví dụ mà ai cũng biết về phong cách lãnh đạo khắt khe.
Tài liệu của tòa án Mỹ cho thấy Mike Jeffries, cựu giám đốc điều hành của hãng Abercrombie & Fitch, đã bắt các tiếp viên trên máy bay riêng của ông phải tuân theo một hướng dẫn về ăn mặc và ứng xử rất khắt khe (và kỳ quặc) chi li đến lượng nước hoa mà tiếp viên nam được dùng.
Trong khi đó, cựu giám đốc điều hành Yahoo, bà Marissa Mayer, cũng tự nhận mình là một nhà quản lý chi li.
BBC Capital hỏi một nhóm các chuyên gia để xác định năm loại sếp khác nhau mà nhân viên thấy khó chiều và đưa ra lời khuyên về chiến lược để đối phó với từng loại sếp này.
Người tự cao tự đại
Những người sếp có cái tôi quá lớn là những người tự cao tự đại vốn muốn có nhiều sự chú ý, nhiều sự kiểm soát cũng như lòng trung thành. Họ nổi tiếng là luôn nhận công khi có thành tích (dù đúng hay không) và đổ lỗi khi thất bại.
Wendy Behary, tác giả của cuốn "Cắt vòi những kẻ tự đại" (Disarming the Narcissist) nói rằng ở vị trí người sếp, họ không có khả năng gắn kết với người khác ở mức độ cá nhân bởi vì họ thiếu khả năng cảm thông. "Đằng sau những tiếng quát tháo, những lời khoác lác, bắt nạt và sự kiểm soát là một người có rất nhiều bất an và, thật mỉa mai, một cảm giác thiếu thốn mà họ cố gắng che giấu trong tuyệt vọng," bà giải thích.
Đối phó với những người sếp dạng này tự thân nó đã có nhiều rủi ro. "Có huyền thoại rằng nếu bạn nhất nhất làm theo họ thì họ sẽ đưa bạn đến vinh quang," Behary nói, "nhưng bạn cần phải cảnh giác trước những lời hứa hẹn có lợi cho bạn mà họ đưa ra và bạn cần phải cẩn thận khi làm việc với họ - đừng bao giờ quá lệ thuộc vào kết quả."
Người chi li
Người sếp chi li là những người muốn tham gia vào tất cả mọi khía cạnh công việc của nhân viên bởi vì họ lo sợ sẽ mất quyền kiểm soát. Họ muốn kiểm tra tiến độ công việc thường xuyên, xem xét những công việc đã hoàn thành và muốn nhận được mọi bản báo cáo. Do đó mà họ luôn căng thẳng với các nhân viên dày dặn kinh nghiệm và có tính độc lập cao.
Marie G. McIntyre, tác giả cuốn "Bí quyết chiến thắng trong chính trị nơi công sở", nói rằng bí quyết làm việc với những người sếp chi li là cần hiểu rằng nguyên nhân đằng sau thái độ chi li này chính là sự lo lắng. Đó là lý do mà phản ứng mạnh mẽ bằng cách né tránh họ thật sự là một sai lầm lớn.
"Đó là điều tồi tệ nhất mà bạn có thể làm vì hành động đó chỉ làm cho người sếp chi li càng thêm lo lắng," bà nói. "Họ không chỉ không biết điều gì đang xảy ra mà họ còn nghĩ rằng có thể bạn không cho họ biết mọi chuyện, do đó họ có khuynh hướng sẽ làm căng thêm và còn lảng vảng quanh bạn nhiều hơn."
Thay vào đó, hãy giải tỏa mối lo lắng của họ bằng cách thông tin cho sếp nhiều hơn và cho họ biết bạn đang làm gì, McIntyre giải thích. "Bạn muốn họ có cảm giác tin tưởng ở bạn bởi vì nếu người sếp chi li càng có cảm giác rằng bạn sẽ không có gì khiến cho họ bất ngờ thì họ sẽ càng dễ chịu hơn để bạn làm công việc của mình."
Người viển vông
Người sếp càng lên cao trên thang bậc địa vị thì họ ngày càng xa rời công việc hàng ngày của công ty. Đó là lý do tại sao nhiều người sếp có thể trở thành những người rất mộng mơ - họ đề ra những mục tiêu cao chót vót mà không đưa ra được kế hoạch rõ ràng để thực hiện nó.
Phản ứng tự nhiên đối với những yêu cầu phi thực tế đó là nói là không thể thực hiện được, nhưng cách hay hơn là chia nhỏ đề xuất trên mây đó thành những phần dễ thực hiện hơn để làm nổi lên những quan ngại rõ ràng, bà Dana Brownlee, chủ tịch công ty Professionalism Matters, một công ty đào tạo cho những doanh nghiệp có đòi hỏi cao có trụ sở ở Atlanta, nói. "Thay vì nói không với sếp, thì giờ đây bạn đã trở thành người hỗ trợ cho sếp và là người đầu tiên chỉ ra những nguy cơ tiềm tàng để giúp sếp đưa ra quyết định tốt nhất."
Brownlee nói đó là cách nói chuyện có chiến thuật hơn để "làm cho sếp tỉnh ra mà quay về với thực tại."
Người sớm nắng chiều mưa
Làm sao mà bạn có thể đạt được mục tiêu nếu mà mục tiêu liên tục thay đổi? Đó chính là vấn đề của việc làm việc cho một người sếp không có lập trường, dạng sếp mà sự thiếu định hướng và niềm tin có thể đặt nhân viên trong một tình huống không thể nào thành công được.
Một khảo sát mới nhất trên 1.000 nhân viên ở Anh do tổ chức Crunch Accounting có trụ sở ở Brighton cho thấy thiếu phương hướng (32%) và thiếu quyết đoán (21%) là hai đặc điểm ở các sếp mà nhân viên Anh thấy bực bội nhất.
Bà Brownlee nói rằng làm việc cho dạng sếp này cần đòi hỏi khả năng 'quản lý từ dưới lên trên', tức là xây dựng một mối quan hệ chiến lược để giúp điều chỉnh cách làm việc thiếu quyết đoán của sếp. "Bạn cần phải là người đi đầu để có được hông tin từ họ bằng cách đặt ra những câu hỏi rất xoáy và ghi lại câu trả lời của họ."
Bronwlee cũng nói thêm rằng bạn phải nói sếp đưa ra các ưu tiên cho công việc và hỏi thăm sếp thường xuyên để xem sếp có đòi hỏi gì. Điều đó có thể giúp bạn không bị đổ lỗi không đúng khi mà ranh giới của một công việc mà bạn được giao vượt quá khả năng kiểm soát của bạn.
Người áp đặt
Một người sếp áp đặt thường muốn ý của mình gạt ra tất cả ý tưởng của người khác, cản trở sự hợp tác trong công việc và bóp nghẹt tinh thần làm việc nhóm. Thái độ áp đặt của họ khiến nhân viên khó mà đặt câu hỏi về cách làm tốt nhất cho một công việc được giao.
Nếu bạn có thể trước tiên đồng lòng về mục tiêu thì bạn mới có thể nói chuyện mang tính xây dựng được, ông Jean-François Manzoni, chủ tịch trường kinh doanh IMD ở Lausanne, Thụy Sỹ, nói. "Khi bạn không đồng ý về việc làm cách thì hãy luôn tìm cách để thống nhất về lý do làm việc," ông đưa ra lời khuyên. Chỉ như thế bạn mới có cách đối thoại được.
Tuy nhiên, bất kể sếp là người thuộc nhóm nào đi chăng nữa, Manzoni nói, việc gắn nhãn cho sếp là người đòi hỏi hay áp đặt rốt cuộc cũng chỉ là cách để bạn tự biện minh cho mình. "Vào thời điểm bạn gọi ai đó là người khó làm việc cùng thì đó cũng là lúc bạn khiến họ càng trở nên khó hợp tác với bạn, bởi bạn không cho người đó cơ hội hợp tác, và bạn đã không đánh giá họ dựa trên mức độ hiệu quả công việc."
Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Capital.
MARK JOHANSON
BIZLIVE
Đăng nhận xét