Việt Nam trở thành thị trường lớn nhất của nhân sâm Hàn Quốc tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, sản phẩm đến từ xứ sở kim chi đang phải cạnh tranh với hàng giả, giá thấp đến từ Trung Quốc.
Theo văn phòng của Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc tại TP. HCM (KOTRA), Hàn Quốc xuất khẩu hơn 1,3 tấn nhân sâm đến Việt Nam vào năm ngoái, với tổng giá trị lên đến 9,46 triệu USD.
Đây là con số lớn nhất trong số các thị trường tại Đông Nam Á, đứng thứ 6 trong danh sách các quốc gia nhập khẩu nhân sâm tại xứ sở kim chi. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là nước duy nhất tăng cả về khối lượng lẫn doanh thu từ xuất khẩu nhân sâm so với năm trước, Yonhap đưa tin.
So với năm 2010, nhân sâm xuất khẩu sang Việt Nam tăng 93% về khối lượng và 32% về giá trị. Một cuộc khảo sát thị trường diễn ra hồi tháng 9 cho thấy 85% người tiêu dùng Việt Nam mua sản phẩm nông sản của Hàn Quốc tại cùng thời điểm. Trong đó, 29% mua nhân sâm, cao hơn nhiều so với con số 18% mua kim chi, món ăn nổi tiếng và phổ biến nhất của Hàn Quốc.
"Nhân sâm Hàn Quốc chất lượng cao và tương đối đắt. Vì vậy, đây là món quà quý. Một cửa hàng sang trọng tại TP. HCM cho hay nhân viên của họ chuẩn bị sẵn vật dụng gói quà cho khách", KOTRA chia sẻ. Cơ quan này tiết lộ người tiêu dùng chủ yếu mua viên hồng sâm làm quà tặng.
Tuy nhiên, nhân sâm Hàn Quốc phải cạnh tranh khốc liệt với nhân sâm đến từ Trung Quốc. Với lợi thế giá rẻ, sản phẩm đến từ quốc gia đông dân nhất thế giới đang "mời mọc" người tiêu dùng Việt Nam.
5 năm qua, lượng nhân sâm xuất khẩu của Trung Quốc đến Việt Nam đã tăng gấp đôi, lên 28%. Điều này khiến sản lượng xuất khẩu của Hàn Quốc giảm từ 83% xuống còn 55%.
KOTRA cũng phát hiện một số nơi mà sản phẩm Trung Quốc giả danh thương hiệu Hàn Quốc.
Ngoài ra, sản lượng xuất khẩu nhân sâm của Hàn Quốc đến Việt Nam cũng có thể bị tổn thương khi quốc gia 94 triệu dân tự trồng loài cây này nhằm giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.
Chia sẻ về phương thức cạnh tranh với hàng hóa xuất xứ Trung Quốc, KOTRA cho hay: "Hàng giả, giá thấp đến từ Trung Quốc đang nhanh chóng lan rộng trên thị trường Việt Nam. Các công ty Hàn Quốc cần phải tạo nên nét đặc trưng riêng, dựa trên chất lượng, và thực hiện chiến lược quảng bá hình ảnh sang trọng".
Theo Zing News
Đăng nhận xét