Mấy nay mọi người đang bàn nhiều về ứng dụng chat nhóm Slack, thôi thì xin chia sẻ với mọi người về lý do mà mình đã đến với Slack sau khi thử qua nhiều dịch vụ chat tương tự cũng như những gì mà app này đã giúp mình trong cả lúc làm việc lẫn lúc ăn chơi. Nói một cách ngắn gọn, mình thích Slack vì khả năng thông báo cực kì tốt, cho hỗ trợ rất nhiều hệ điều hành phổ biến, gọn nhẹ, và cuối cùng là cho phép tìm lại file cũng như lịch sử chat khá hiệu quả. Quan trọng hơn, Slack có thể được sử dụng miễn phí mà vẫn có đủ gần hết những tính năng cốt lõi và cần thiết cho nhu cầu của mình. Còn chi tiết hơn thì mời các bạn xem bên dưới.
Mấy nay mọi người đang bàn nhiều về ứng dụng chat nhóm Slack , thôi thì xin chia sẻ với mọi người về lý do mà mình đã đến với Slack sau khi thử qua nhiều dịch vụ chat tương tự cũng như những gì mà app này đã giúp mình trong cả lúc làm việc lẫn lúc ăn chơi. Nói một cách ngắn gọn, mình thích Slack vì khả năng thông báo cực kì tốt, cho hỗ trợ rất nhiều hệ điều hành phổ biến, gọn nhẹ, và cuối cùng là cho phép tìm lại file cũng như lịch sử chat khá hiệu quả. Quan trọng hơn, Slack có thể được sử dụng miễn phí mà vẫn có đủ gần hết những tính năng cốt lõi và cần thiết cho nhu cầu của mình. Còn chi tiết hơn thì mời các bạn xem bên dưới.
Đầu tiên mình sẽ nói về lý do vì sao mình cần đến một ứng dụng chat nhóm. Trong công việc, ở Tinh tế, mình và mấy mod khác rất thường xuyên cần phải trao đổi với nhau về các bài viết, chuyện tâm tư tình cảm, rồi cả những lúc hẹn ăn chơi. Lâu lâu mình cũng cần gửi các đoạn code lập trình cho vài người. Ngoài ra, mình cũng cần chat với một nhóm bạn thân gồm có 6 người thường hay tán gẫu đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, từ vi mô đến vĩ mô, cái này thì chủ yếu là vui vẻ thôi chứ không liên quan gì đến công việc.
1. Facebook Messenger và những hạn chế
Đầu tiên, bọn mình dùng app chat mà ai ai cũng dùng trong mấy năm trở lại đây, đó là Facebook Messenger. Lợi ích của Messenger đó là mọi người đều đã dùng cho việc cá nhân của mình, nó xuất hiện trên nhiều nền tảng phổ biến, lại chẳng phải giải thích, hướng dẫn gì nhiều do ai cũng biết cách xài. Trên Messenger, mình có một group chat dành cho Tinh tế, và thêm một group khác nữa cho hội bạn thân.
Việc chat thì tất nhiên diễn ra y như khi chúng ta chat riêng lẻ, tốc độ gửi nhận cũng khá tốt ngay cả với 3G. Và sẵn nói luôn là tốc độ gửi nhận với hầu hết các dịch vụ mà mình nói trong bài này đều tốt cả, chúng ta chỉ xét về tính năng và những tiện ích mà chúng mang lại thôi.
Nhưng vấn đề với Facebook Messenger đó là nó quá rối. Cả nhóm mod chat hay cả nhóm bạn chat là thông báo cứ nhảy loạn xạ cả lên, và hầu hết thời gian là những dòng chat đó không liên quan đến mình. Bạn cứ tưởng tượng đang làm việc hay đang đi ngoài đường mà tin Messenger cứ báo liên tục thì có khó chịu hay không chứ, mà nhất là lúc những tin đó chỉ là các tin tám chuyện vui vẻ thôi chứ không hẳn là quan trọng. Còn tin quan trọng và cần đến sự thảo luận của mình thì lại rất dễ bị trôi đi nếu mình không nhìn vào đúng lúc, Messenger không có chế nào để thông báo khi mình được nhắc đến cả. Nếu tắt hoàn toàn thông báo của group đi thì còn nguy hiểm hơn nữa bởi mình sẽ không được cập nhật những thông tin mới nhất từ mọi người, lỡ có ai kêu cũng không biết.
2. iMessage , Viber , Skype ... cũng không xong
Thế là cả hội chia tay Facebook Messenger, sau đó chuyển qua dùng iMessage. iMessage, như các bạn đã biết, là một dịch vụ chat của Apple. Nó hoạt động hoàn hảo trong thế giới của Apple, nhưng mod Tinh tế hay bạn bè mình không phải ai cũng dùng đồ Apple. Có những người dùng Windows hay Android là đành đứng ngoài cuộc chơi, không có cách nào để cho họ tham gia vào nhóm chat cả. Ngoài ra, iMessage cũng vướn hạn chế là hiển thị thông báo cho mọi tin nhắn mới, ngay cả khi tin nhắn đó không liên quan đến mình. Nếu tắt hẳn thông báo đi thì cũng không giúp ích được gì mà còn làm lỡ nội dung mọi người muốn truyền đạt hệt như Messenger.
iMessage còn bị một lỗi cực kì, cực kì, cực kì khó chịu, đó là một group chat không hiểu sao cứ bị tách ra làm 2, 3 group khác nhau. Xóa hết đi chừa lại 1 topic thôi thì một thời gian sau nó lại tự tách ra làm hai ba cái nữa, vô cùng khó chịu. Bọn mình đã thử đủ mọi cách hết rồi, bao gồm cả đổi danh bạ của nhau cho thống nhất nhưng rốt cuộc vẫn không thể nào khắc phục được.
iMessage cũng không xong, dời nhà tiếp sang Viber và Skype. Hai ứng dụng này về cơ bản cũng giống như Messenger và iMessage thôi chứ không thật sự mang lại nhiều sự khác biệt. Các câu chuyện cứ thế trôi đi mà hiếm khi nào được chuyển tải đến đúng người nhận, ngoài ra Skype còn bị một cái là khởi động khá chậm chạp và hoạt động khá nặng nề nên chủ yếu để dùng gọi điện hay thoại video thôi chứ tính năng chat thì chẳng mấy khi xài tới.
3. Đến với Slack
Rồi bọn mình quyết định thử qua Slack sau khi đọc thấy thông tin về app này trên mạng. Ấn tượng đầu tiên đó là giao diện của app đơn giản nhưng khá hữu dụng, ngoài ra thứ mình cực kì thích chỉ sau 1 tiếng rưỡi dùng Slack đó là khả năng tùy biến thông báo vô cùng thông minh. Bạn có thể yêu cầu Slack thông báo mọi tin nhắn tới, nhưng cũng có thể nói Slack chỉ thông báo khi có ai đó nhắn trực tiếp cho bạn hoặc khi có ai đó mention tên bạn mà thôi (bằng cách dùng dấu @, giống như tag trên Facebook vậy). Bằng cách này, cho dù bạn bè mình có chat chơi gì đó thì cũng không sao cả, chỉ khi nào tên mình được mention thì mình mới nhận thông báo và vào xem, đỡ phiền hơn hẳn so với những giải pháp chat trước đó. Bạn còn được quyền thiết lập thông báo trên desktop khác với trên thiết bị di động nữa kìa.
Mà tính năng mention này cũng vô cùng hay, bạn có thể "chỉ mặt gọi tên" cụ thể người mà bạn muốn chứ không chỉ là một dòng chat chung chung, đảm bảo hắn sẽ nhận được thông báo. Mà nhận được thông báo mà không trả lời, cố tình ngó lơ thì trảm! Ngoài ra, Slack còn cho phép tag @Everyone , lúc đó thì mọi người trong group đều sẽ nhận được thông báo của bạn.
Nhưng đó chưa phải là tất cả. Slack cho phép chúng ta tạo nhiều kênh (channel), mỗi channel sẽ có một số người nhất định tham gia mà thôi. Lấy ví dụ như kênh "xe cộ" thì có mod @Trung Dt , @TDNC , @turquoise hoành hành và chỉ những người này mới có thể xem những dòng chat trong channel "xe cộ", người khác không thể xem. Tương tự, kênh "android" thì có mình và mod @vuhai6 cùng một vài anh em khác, hay kênh "xxx" thì chỉ có những người đặc biệt mới vào được
Bằng cách chia nhỏ ra cách kênh như thế, công việc sẽ được giải quyết một cách nhanh chóng, hiệu quả và chính xác hơn, lại đảm bảo là liên quan mật thiết đến những người đang tham gia channel chứ không làm phiền người khác.
Bên cạnh đó, tính năng quản lý file của Slack cũng cực kì tốt. Slack cho phép xem lại tất cả mọi tập tin đã gửi trong các channel chat, như vậy bạn có thể nhanh chóng kiếm lại file cần thiết mà không tốn quá nhiều công sức. Trước đây khi còn trao đổi bằng cách dùng email thì việc tìm lại file đính kèm là vô cùng cực khổ và nhàm chán, còn giờ thì mọi chuyện đã tốt hơn rất nhiều. Ngoài ra, Slack còn hỗ trợ tích hợp với các ứng dụng bên thứ ba như Dropbox, Google Drive, Asana, Trello (quản lý dự án) và nhiều app khác nữa nên mình có thể lấy nhanh dữ liệu từ các ứng dụng này rồi gửi cho anh em bằng Slack mà không phải download thủ công về máy tính.
Nếu anh em nào làm lập trình thì cũng sẽ thích Slack do nó có khả năng đọc code (bỏ vào trong cặp dấu ` `) và tự động chuyển thành một file text. Mà file text này được in đậm, đổi màu các từ khóa hệt như khi chúng ta đang code trong các trình editor vậy, nhìn vào rất dễ dàng chứ không chỉ là những dòng chữ đen mù mịt. Bằng cách gửi code theo kiểu file text tự động như thế, nhóm lập trình viên có thể trao đổi, chỉ dẫn nhau tiện hơn so với bất kì giải pháp chat nào khác mà mình đã nêu trong bài này.
Vậy là bọn mình quyết định sẽ dùng Slack luôn cho nhóm Tinh tế, sau đó mình tiếp tục kêu gọi nhóm 6 người bạn thân của mình tự tạo một group trên Slack để xài với nhau. Và group này có thể được áp dụng cho rất nhiều thứ, như trong trường hợp của mình là cho nhóm mod Tinh tế và bạn bè, còn với một số người khác mình đã thấy họ tạo group cho cả công ty, một số người khác thì chỉ đơn giản là group bạn hữu lâu năm chưa gặp. Nói cách khác, Slack có thể dùng cho rất nhiều mục đích khác nhau chứ không chỉ để làm việc, mặc dù ý tưởng ban đầu của Slack đó là giúp giải quyết vấn đề liên lạc với nhau trong các công ty.
Và điểm hay đó là tất cả những tính năng, tiện ích mà mình nói tới ở trên đều miễn phí cả. Cho hội bạn của mình hay cho Tinh tế thì đều dùng Slack miễn phí cả, không giới hạn thành viên, cũng chẳng giới hạn thời gian xài thử. Thật tuyệt vời, không thể tin nổi. Còn nếu bạn chịu trả tiền, bạn có thể tìm kiếm trong lịch sử tốt hơn (không bị giới hạn tìm trong vòng 10.000 tin mới nhất như miễn phí), hỗ trợ tích hợp không giới hạn với nhiều ứng dụng khác bên ngoài (nhóm miễn phí bị giới hạn tích hợp chỉ 5 app), cho phép khách hàng truy cập vào mà không cần tài khoản riêng (tiện khi cần hỗ trợ hay chăm sóc dịch vụ),... Chi tiết hơn về giá có thể xem ở đây .
4. Tạm kết
Bên trên là tất cả những lý do vì sao mình quyết định sẽ dùng Slack và gắn bó lâu dài với nó. Slack không phải là một mạng xã hội rộng mở như Facebook hay Viber, thay vào đó nó tập trung nhiều hơn cho việc chat nhóm trong đó mọi người có quan hệ gần gũi với nhau. Slack có nhiều tính năng để giúp mình giải quyết công việc một cách nhanh gọn hơn so với việc dùng email hoặc các giải pháp liên lạc truyền thống, cùng với hệ thống thông báo thông minh để tránh bị làm phiền song cũng không bỏ lỡ các tin chat quan trọng.
Cuối cùng, mình muốn nhấn mạnh với các bạn rằng có thể Slack là giải pháp tốt nhất hiện tại cho nhu cầu của mình nhưng không đảm bảo rằng nó sẽ phù hợp với các bạn. Cách duy nhất để biết được giải pháp chat nhóm nào phù hợp đó là bạn phải thật sự phải sử dụng nó thì các điểm yếu, điểm phiền toái mới bộc lộ, chỉ khi đó chúng ta mới có thể biết mà đi tìm giải pháp tốt hơn.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn