Chúng ta đã quá quen với Instagram, nhưng bạn có nhận ra rằng ứng dụng chụp ảnh này đang thay đổi cách chúng ta nhìn nhận thế giới?

Sau 5 năm thành lập, Instagram có thay đổi thế giới?
Buổi tiệc sinh nhật lần thứ 5 của Instagram vừa qua đã có một danh sách khách mời kéo dài đến hơn 400 triệu khách. Đây chính là số người sử dụng thường xuyên hàng tháng của ứng dụng chia sẻ hình ảnh này với hơn một nửa trong số đó thuộc độ tuổi dưới 25. Cùng với Facebook và Twitter, Instagram chắc chắn vẫn có một chỗ đứng quan trọng trong bộ ba phương tiện truyền thông xã hội hiện nay.
Phần lớn sức hấp dẫn của nền tảng này đến từ sự đơn giản, bởi các nhà phát triển của Instagram có rất ít thay đổi kể từ khi mới cho ra đời. Tuy nhiên, cùng với sự xuất hiện của các bài viết được tài trợ, Instagram đang khiến người ta cảm thấy mạng xã hội này đang đứng trước ngã ba đường, phân vân liệu rằng có nên thay đổi để bắt nhịp thời cuộc hay không.
Một Instagram độc nhất vô nhị ngày nào đang dần mất đi tinh thần sáng tạo mang phong cách riêng, hay đơn giản chỉ đang được cải tiến với một loạt tính năng mới? Đương nhiên, chỉ thời gian mới có thể trả lời tất cả. Hãy cùng xem Instagram đang nỗ lực thay đổi thế giới như thế nào.
Thời trang
Những tài khoản Instagram ấn tượng nhất sẽ luôn biết cách khơi gợi cảm hứng người xem bằng những câu chuyện. Thế giới thời trang cũng đang bắt đầu gia nhập cuộc chơi mới này. Instagram đang dần trở thành nơi những xu hướng trên mạng bước ra đời thực.
Mới đây, nhà thiết kế Olivier Rousteing đã tiết lộ bộ sưu tập Xuân Hè 2016 mang tính thực tiễn cao của Balmain trên tài khoản Instagram cá nhân của mình. Anh chia sẻ, việc làm này nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu muốn biết của người hâm mộ.
Có thể phần đông trong số 1,3 triệu người theo dõi anh không có khả năng mua những bộ quần áo xa xỉ của Balmain, nhưng bằng những tấm ảnh đó, họ sẽ cảm thấy mình đang trở thành một phần của cuộc chơi.
Trước xu thế này, cựu Tổng biên tập tạp chí Lucky, giờ là Trưởng bộ phận Hợp tác thời trang của Instagram, bà Eva Chen cho rằng: “Đây chính là cách dân chủ hóa thời trang. Chúng tôi đang có một sự kết nối ngày một sâu sắc tới các khách hàng. Instagram cho phép các thương hiệu bày tỏ tiếng nói tới từng khán giả. Tôi nghĩ đây chính là cách khiến các nhà thiết kế trở nên gần gũi hơn với mọi người xem”.
Nghệ thuật
Hiện tại, nghệ thuật và thời trang là 2 phạm trù đang giao thoa mạnh mẽ hơn bao giờ hết, và Instagram được chọn làm phương thức để đưa sự kết hợp này chạm tới phạm vi khán giả rộng hơn.
Brett Gorvy, người đứng đầu mảng Nghệ thuật đương đại và Hậu chiến quốc tế của Trung tâm đấu giá nghệ thuật Christie’s tiết lộ, ông rất hâm mộ xu hướng này và cho rằng, nó đang góp phần làm thay đổi tư duy của công chúng về nghệ sĩ nói chung.
Bên cạnh đó, nghệ sĩ theo đuổi xu hướng nghệ thuật thị giác trên internet Rafael Rozendaal cũng có thói quen sử dụng Instagram để thể hiện các dự án nghệ thuật mới nhất cũng cho rằng: “Tôi sử dụng Instagram như một studio mở để công chúng được hiểu rõ về quá trình làm việc cũng như cuộc sống sáng tạo của tôi.
Rõ ràng, bằng việc trở thành lăng kính trung gian giúp khán giả nhìn rõ hơn vào cuộc sống của các nghệ sĩ, Instagram đang mở ra một tiến trình nghệ thuật hoàn toàn mới".
Du lịch
Không ngoa khi nói chân trời du ngoạn của những người ưa dịch chuyển đang không ngừng được mở rộng nhờ sự có mặt của Instagram. Những địa điểm du lịch lạ lẫm dần trở nên quen thuộc nhờ hàng ngàn tấm ảnh tuyệt đẹp của những người đã đặt chân tới.
Đây cũng là một phương pháp tiếp thị hiệu quả của các thương hiệu du lịch: thỏa thuận với nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp để có được những bức ảnh tuyệt đẹp đầy ấn tượng nhằm lôi kéo sự chú ý của công chúng một cách tự nhiên.
Đơn cử có Eelco Roos, nhiếp ảnh gia từng làm việc cho Trung tâm du lịch Travel Alberta cũng như nhiều thương hiệu lớn như Samsung và Ducati. Ông từng từ bỏ công việc tư vấn viên công nghệ thông tin ở IBM, để rồi bây giờ trở thành một trong những nhiếp ảnh gia nổi tiếng nhất trên Instagram.
Ông cho biết: “Đối với các thương hiệu du lịch, Instagram đang dần trở thành thước đo chính xác hơn nhiều so với các phương tiện truyền thông truyền thống, ít nhất là về khía cạnh thấu hiểu và đáp ứng khách hàng”.
Instagram cũng có công lớn trong việc khai sáng “nền văn minh châu Âu” tới những nơi không thể tiếp cận với các mô hình mạng xã hội khác. Điển hình là Iran, nơi Facebook và Twitter đều đã bị cấm.
Taylor Pemberton, một cựu thiết kế và giám đốc sáng tạo đã rời New York để theo đuổi lối sống phiêu bạt với tư cách một nhiếp ảnh gia tự do. Cuối cùng, ông đã tìm thấy chính mình ở Bắc Triều Tiên: “Cho dù việc du lịch tại đây đang bị cấm tạm thời (do ảnh hưởng của đại dịch Ebola lúc đó) nhưng tôi vẫn nuôi hy vọng, chiếc máy ảnh sẽ thay tôi nhìn thấu qua lớp vỏ gai góc bên ngoài của đất nước này, nhằm khơi gợi lên những sắc thái khác trong đời sống người dân tại đây mà không nhiều người có cơ hội biết đến.
Tôi nghĩ rằng một nền tảng như Instagram đang đem lại cho con người những cơ hội quý giá để có những cái nhìn thoáng qua vào một thế giới khác, một nền văn hóa khác”.
Đồ ăn
Chính Instagram cũng là "thủ phạm" khiến cho việc ăn uống của phần lớn chúng ta trở nên ngày một khó khăn hơn. Và nếu không có Instagram, sẽ không bao giờ xuất hiện khái niệm #FoodPorn (các hình ảnh, video, nội dung trực tuyến xoay quanh một món ăn, nhằm khơi gợi sự thèm khát và kích thích ăn uống).
Cũng giống với thời trang, đây là nơi mọi xu hướng bước ra đời thực. Đây cũng là cái nôi sản sinh ra hàng loạt tài khoản chuyên “khiêu khích” người xem bằng những bức ảnh hay video chuyên về đồ ăn ngon đến khó cưỡng.
Tất cả những việc họ cần làm là đi ăn những thứ thật ngon, chụp ảnh thật đẹp, chỉnh sửa ảnh thật bắt mắt và đăng tải ảnh thường xuyên lên Instagram. Sau đó, tất cả sẽ chỉ xoay quanh hàng trăm nghìn lượt thích cùng bình luận của những đôi mắt “thèm khát” trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, một khi việc ăn uống đã trở thành thứ chỉ để ghi hình, người ta đang ngày một lún sâu vào cái bẫy chết người của sự phù phiếm. Bằng chứng là, không ít người đang dành nhiều thời gian để có được những tấm ảnh đồ ăn hoàn hảo hơn là thưởng thức chúng.
Bếp trưởng Massimo Bottura của nhà hàng Osteria Francescana – nơi được bình chọn là điểm đến lý tưởng thứ 2 trên thế giới cho những người sành ăn – chia sẻ: “Đôi khi tôi không chắc liệu những vị khách đó có tới đây để ăn hay không khi họ luôn bị ám ảnh về việc chụp lại tất cả những thứ bày trên bàn. Có lần, một thực khách còn đề nghị tôi đổi đĩa đựng đồ ăn từ màu trắng sang đen để lên ảnh cho đẹp”.
Danh tiếng
Không thể phủ nhận Instagram có sức mạnh không nhỏ trong việc tạo nên danh tiếng. Đây cũng chính là cơ hội quý giá cho một người không tên tuổi “một bước thành sao” chỉ nhờ 1 tấm ảnh khiến cả thế giới thích thú.
Hãy xem bức ảnh tuyệt đẹp dưới đây của tay máy Sam Yeldham, ghi lại hình ảnh một cặp vợ chồng mới cưới đang đứng trên mũi cảng Sydney dưới cơn bão đang dần ập tới, hiện đang được lan truyền với tốc độ chóng mặt.
Nhiếp ảnh gia này khẳng định: “Sự quan tâm của công chúng đang ngày càng trở nên tích cực hơn. Tôi cho rằng vào bất kỳ thời đại nào, tất cả các loại hình nghệ thuật, dù hướng tới quần chúng hay không, đều sẽ có người quan tâm theo dõi”.
Ngoài ra, thực trạng bắt nạt và đàn áp trực tuyến đang xuất hiện đầy rẫy trên mọi hình thức truyền thông xã hội, ngay cả ở những đối tượng người dùng thượng lưu. Chẳng hạn như siêu mẫu Gigi Hadid cũng có thời gian bị cư dân mạng trêu chọc, đàm tiếu về thân hình “kém chuẩn siêu mẫu” của mình.
Trước thực trạng này, nhiếp ảnh gia Greg Williams, người từng giành nhiều sự quan tâm từ công chúng nhờ dự án ảnh #ArtOfBehindTheScenes chuyên ghi lại những khoảnh khắc hậu trường hiếm có của người nổi tiếng, cũng bày tỏ quan điểm cá nhân: “Bên cạnh các kênh đưa tin truyền thống khác, tôi nghĩ Instagram đang phần nào giúp người nổi tiếng thể hiện cá tính và học cách kiểm soát đời tư hiệu quả hơn”.
Vận động quần chúng
Về bản chất, phương tiện truyền thông xã hội là một công cụ vận động quần chúng hoàn hảo. Hơn nữa, ngoài “ông trùm” Facebook, dân số trẻ trung của Instagram cũng là những cá nhân truyền bá thông tin hết sức tích cực, thể hiện rõ nét nhất ở các trào lưu hashtag.
Từ những vấn đề xã hội nóng bỏng như đòi lại công bằng cho thanh niên da màu thiệt mạng do bị cảnh sát xả súng trong cuộc biểu tình ở Ferguson, Mỹ hồi tháng 8/2014 với hashtag #IfTheyGunnedMeDown (Nếu họ bắn tôi), cho đến những xu hướng nổi loạn muốn phá vỡ mọi rào cản về văn hóa truyền thống – điển hình là hashtag #FreeTheNipple trong chiến dịch đòi quyền “thả tự do” ngực cho phụ nữ.
Hay mới đây nhất, “cậu bé đồng hồ” Ahmed Mohamed cũng là cái tên được xướng lên trên khắp các chủ đề thảo luận trên Instagram với hashtag đầy tính nhân văn #IStandWithAhmed (Đứng lên vì Ahmed).
Bên cạnh đó, nhà hoạt động kiêm phóng viên ảnh Ruddy Roye cũng chia sẻ, chính Instagram đã cho anh tấm vé đi tắt đón đầu trước những chướng ngại truyền thông khổng lồ.
Anh cũng cảm thấy tiếng nói của mình được lắng nghe nhờ mạng xã hội này: “Trước đây, kết quả công việc của chúng tôi có được công chúng biết tới hay không đều phụ thuộc hoàn toàn vào các tạp chí và kênh truyền hình. Có thể nói, sự nghiệp của tôi sẽ mãi giậm chân tại chỗ cho đến khi biết tới Instagram”.
Theo Trí Thức Trẻ/GENK

Post a Comment

أحدث أقدم