Thị trường TMĐT ở Việt Nam lúc nào cũng được đánh giá là tiềm năng, với dân số trẻ và lượng người dùng Internet ngày một tăng.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, đại diện Neilsen Việt Nam tại Hà Nội cho hay, theo kết quả điều tra của Neilsen, trung bình một tuần người Việt Nam dành 15,5 tiếng đồng hồ để lướt web và mua sắm trực tuyến. Tính ra, mỗi ngày, người Việt dùng 2 tiếng đồng hồ để phục vụ tìm hiểu và mua sắm trực tuyến.
72% người Việt Nam được khảo sát đồng ý rằng mua sắm trên mạng rất tiện lợi, và 18% cho hay sẽ lên kế hoạch mua sắm thực phẩm và đồ uống trực tuyến trong vòng 6 tháng tới.
Trong đó, đối tượng người Việt Nam mua sắm trực tuyến chủ yếu ở độ tuổi từ 21 đến 34 tuổi. Neilsen dự báo tầng lớp trung lưu Việt Nam sẽ tăng gấp đôi trong năm 2020.
Tuy nhiên, những con số này không cho thấy người tiêu dùng Việt Nam đã sẵn sàng mua hàng qua mạng.
Khảo sát cũng chỉ ra rằng, 22% người tiêu dùng được khảo sát cho hay không tin tưởng cung cấp thông tin, thẻ tín dụng trên mạng; 15% người tiêu dùng không mua sắm trực tuyến vì chi phí giao hàng và 11% người tiêu dùng đồng ý rằng các trang web mua sắm thật khó hiểu.
“Sự khó hiểu này thể hiện ở việc tìm kiếm thông tin hay sắp xếp của các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến chưa được thuận tiện. Người Việt Nam yêu thích trải nghiệm mua sắm trực tuyến tuy nhiên vẫn còn chần chừ vì nhiều rào cản", bà Thủy khẳng định.
Đồng ý với quan điểm trên, bà Hà Thị Hòa, Phó TGĐ Cty Chuyển phát nhanh Bưu Điện cho hay, một trong những nguyên nhân khiến người tiêu dùng e ngại giao dịch mua sắm tại các sàn TMĐT là do sợ khó kiểm định chất lượng hàng hóa và giao nhận.
Cụ thể, 68% khách hàng đưọc hỏi quan tâm đến yếu tố giao nhận khi giao dịch trên sàn TMĐT; 78% khách hàng không giao dịch TMĐT vì lo ngại việc khó kiểm định chất lượng hàng hóa.
Theo bà Hòa, yêu cầu của khách hàng TMĐT là thiết kế dịch vụ đơn giản, tích hợp sẵn các tiện ích, giá cước hợp lý, vận chuyển kịp thời chính xác, nhân viên chuyên nghiệp, chuyển hàng nhanh...
“Nhu cầu khách hàng hiện nay đa dạng, càng ngày càng khó tính hơn, yêu cầu khắt khe vì vậy để người tiêu dùng yêu thích mua sắm trực tuyến hơn yêu cầu nhân viên giao hàng thường xuyên được đào tạo”, bà Hòa nhấn mạnh.
Bàn về giải pháp thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử trong thời gian tới, bà Vũ Thị Thu Thủy, Quản lý cấp cao của Vụ Bưu chính Bộ Thông tin Truyền thông nhấn mạnh chất lượng chuyển phát chưa cao cũng là một yếu tố quan trọng khiến mua sắm trực tuyến chưa phát triển mạnh.
“Để thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử, các nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát cần nâng cao năng lực với chất lượng cao và giá cạnh tranh qua việc mở rộng qui mô doanh nghiệp, đào tạo cán bộ lành nghề cũng như đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin điện tử”, bà Hòa nhấn mạnh.
Theo Trí Thức Trẻ
إرسال تعليق