Gần đây, hãng Google đang cố gắng để được phép đưa dịch vụ ứng dụng điện thoại di động (Google Play) trở lại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, dù chính quyền Bắc Kinh có đồng ý thì nhiều người dân nước này vẫn lạ lẫm với thương hiệu Google.

Google tái chiếm thị trường Trung Quốc, không phải khó mà là... rất khó

 
Cách đây 5 năm, Google đã rút dịch vụ tìm kiếm cũng như máy chủ của mình khỏi Trung Quốc đại lục sau cuộc tấn công mạng vào những người dùng ứng dụng thư điện tử Gmail.
Bên cạnh đó, công ty lúc đó cũng đang bất đồng ý kiến với chính quyền Bắc Kinh về quá trình kiểm duyệt kết quả tìm kiếm một số thông tin nhạy cảm.
Kể từ đó, những dịch vụ cung cấp bởi Google như công cụ tìm kiếm trên mạng, thư điện tử, video hay nhiều ứng dụng khác đã bị chặn khỏi thị trường Trung Quốc dù mảng quảng cáo trực tuyến của công ty vẫn hoạt động tốt và hệ thống điều hành Android trên điện thoại di động của hãng vẫn đang thống trị tại đây.
Trong 5 năm không có Google, thị trường mạng trực tuyến của Trung Quốc đã bùng nổ với số người sử dụng điện thoại thông minh tăng trưởng kỷ lục, kéo theo đó là hàng loạt những công ty nội địa cạnh tranh với Google. Nhiều công ty trong số này hoạt động trên những lĩnh vực mà Google bị chặn.

Theo tờ Wall Street Journal, việc Google Play được cấp phép để trở lại thị trường Trung Quốc là không quá khó khăn miễn là công ty đồng ý với quy trình kiểm duyệt nội dung của chính phủ. Trước đó, dịch vụ chợ ứng dụng App Store của Apple cũng đã làm như vậy và đạt được thành công lớn.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất với Google không phải việc cấp phép mà là những đối thủ cạnh tranh đến từ Trung Quốc. Ví dụ như mảng tìm kiếm trên mạng chủ lực của Google sẽ khó giảnh thị phần tại Trung Quốc với công cụ tìm kiếm Baidu đang thống trị tại đây.
Trước khi rời khỏi Trung Quốc, Google chiếm 35,6% thị phần về công cụ tìm kiếm trên mạng tại Trung Quốc. Trong khi đó, hãng Analysys International cho biết công cụ tìm kiếm Baidu chiếm 81,1% thị phần tại nước này trong quý III/2015, còn Google chỉ chiếm 10,2%.
 
Theo nhiều chuyên gia, Google Play là ứng dụng dễ thành công nhất trong số các dịch vụ mà Google cung cấp tại Trung Quốc bởi thị trường Android tại đây vẫn bị phân mảnh với quá nhiều dịch vụ cung cấp từ các công ty khác nhau.
Google có thể thay đổi tình trạng này với tiêu chuẩn thống nhất cho thị trường Android, mặc dù điều này không hề dễ dàng.
Trong khoảng thời gian Google rời thị trường Trung Quốc, nhiều công ty nội địa đã xây dựng dịch vụ chợ ứng dụng Android của riêng mình, bao gồm Baidu hay công ty điện thoại Xiaomi.
Trong khi iPhone chỉ có một Apple Store duy nhất, nhiều người dùng điện thoại Android lại tải các ứng dụng từ nhiều nguồn khác nhau và đương nhiên là tình trạng vi phạm bản quyền diễn ra tràn lan. Điều này khiến vấn đề rủi ro bảo mật cho các điện thoại Android tại Trung Quốc tăng cao.
Hiện vẫn chưa rõ Google sẽ đối phó ra sao với các dịch vụ chợ ứng dụng nội địa tại Trung Quốc. Hầu hết nhà sản xuất điện thoại tại nước này không tải Google Play do quy định của chính phủ mà sử dụng dịch vụ chợ ứng dụng của riêng họ.
Hãng Google có thể yêu cầu hoặc thậm chí trả tiền để các nhà sản xuất di động tải lại Google Play khi hãng này được cấp phép lại, nhưng những công ty như Xiaomi khó lòng làm vậy bởi động thái này ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ.
Rõ ràng, những công ty như Xiaomi hay nhiều nhà sản xuất điện thoại khác muốn phát triển hệ thống điện toán đám mây, thanh toán và các dịch vụ trực tuyến khác của riêng mình.
Ngoài ra, những ứng dụng liên quan đến vấn đề bản quyền như âm nhạc, sách, trò chơi có thể khiến Google Play có ít lựa chọn cho người dùng Trung Quốc hơn các đối thủ nội địa khác, những công ty vi phạm bản quyền tràn lan.
Bên cạnh đó, việc xây dựng đội ngũ tại Trung Quốc cũng là vấn đề khi nhiều chuyên gia cho rằng Google nên hợp tác với một công ty đối thủ bản địa để tiết kiệm thời gian chờ giấy phép, hoàn thiện hệ thống hay tạo một nhóm người dùng cơ sở. Những công ty như LinkedIn và Uber đã từng sử dụng biện pháp này tại Trung Quốc.
Hãng Uber đã hợp tác với Baidu vào tháng 12/2014 để xây dựng nhóm hoạt động của mình tại thị trường Trung Quốc. Nhờ đó, Uber có thể tận dụng ngay hệ thống bản đồ điện tử và thanh toán trực tuyến của Baidu mà không mất thời gian xây dựng từ đầu.
Một cựu nhân viên Google tại Trung Quốc cho biết công ty nên nhanh chóng trở lại thị trường Châu Á này khi một số người vẫn còn nhớ đến thương hiệu của hãng.
Hiện nhiều sinh viên không quen lắm với các ứng dụng của Google bởi họ đã không sử dụng chúng trong vòng 5 năm qua, trong khi nhiều người của thế hệ trẻ hơn thậm chí còn không biết Google là gì.
Theo Trí thức trẻ

Post a Comment

أحدث أقدم