10 phép thử cho ý tưởng khởi nghiệp của bạn

Một ý tưởng kinh doanh mới chỉ thực sự thành công khi nó được biến thành hiện thực chứ không phải chỉ là lời nói.
Nếu bạn đang tìm kiếm một triết lý dùng doanh nghiệp mới của bạn như là một phép thử khoa học để tìm kiếm một mô hình kinh doanh, một hướng đi thành công thì hãy tham khảo những giả thuyết kinh doanh được David Teten, cổ đông của công ty đầu tư mạo hiểm ff Venture Capital chỉ ra dưới đây để tìm ra phương án khả thi nhất cho doanh nghiệp của bạn.
Bước 1: Nghiên cứu các vấn đề và thị trường
1. Công khai về ý tưởng của bạn trên blog.
Điều này sẽ giúp bạn thu được những phản hồi trực tiếp và có chất lượng. Ngoài ra, bạn cũng nên có những cuộc phỏng vấn "mặt đối mặt" với khách hàng.
2. Đặt những câu hỏi mở trên Quora và các diễn đàn thảo luận trực tuyến khác.
Lắng nghe những góp ý của mọi người. Nhiều người tiêu dùng muốn có ý kiến phản hồi và họ chỉ chờ được hỏi là nói ngay. Vì thế bạn hãy vào một trang web hỏi đáp kiểu như Quora hay các diễn đàn như Reddit hoặc bất cứ diễn đàn nào liên quan trực tiếp đến ngành của bạn và bắt đầu đặt câu hỏi.
Bạn có thể bắt đầu với những câu hỏi khái quát như: “Giải quyết vấn đề này như thế nào…”. Ví dụ: “Các quỹ đầu tư mạo hiểm hay sử dụng những công cụ quản trị khách hàng nào?”. Câu hỏi này sẽ làm lộ diện cả đối thủ cạnh tranh và khách hàng.  
3. Xây dựng các khảo sát, thử nghiệm có tặng kèm tiền hoặc quà tặng.
Việc gửi một bảng câu hỏi cho khách hàng của bạn là một cách tuyệt vời để thu được những phản hồi và hiểu hơn về nhu cầu của họ.
Ví dụ, hãy thử thăm dò phản ứng của khách hàng bằng chiêu khuyến khích kiểu “giảm 100 USD khi ra mắt sản phẩm". Nếu mọi người hăng hái phản hồi để có được ưu đãi giảm giá cho một sản phẩm còn chưa tồn tại thì chứng tỏ là nhu cầu không thiếu.

Việc gửi một bảng câu hỏi cho khách hàng của bạn là một cách tuyệt vời để thu được những phản hồi và hiểu hơn về nhu cầu của họ. Ảnh minh họa.
4. Nhận đặt hàng trước.
Các trang huy động vốn cộng đồng như Indiegogo và Kickstarter sẽ giúp bạn đo lường nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm, dịch vụ của mình một cách dễ dàng. Bạn chỉ cần mô tả các tính năng của sản phẩm và chào bán nó trên các trang này, phản hồi của đám đông trên đó sẽ chính là phản hồi của thị trường. Ngoài ra, những phản hồi nhanh chóng và trực tiếp trên đó sẽ giúp bạn kịp thời phát hiện và sửa chữa những lỗi sai trước khi thực hiện đại trà.
5. Chạy thử các quảng cáo.
Tận dụng Google AdWords, Yahoo!, Bing và các trang web khác bằng cách tạo ra các quảng cáo dẫn người xem đến một trang yêu cầu đăng ký email hoặc đặt hàng trước. Hãy thử xem quảng cáo nào có hiệu quả nhất.
Chẳng hạn, Tim Ferriss, mới đầu định đặt tên cuốn sách nói về năng suất lao động và nghỉ hưu sớm của ông là "Broadband and Whitesand" nhưng sau khi sử dụng AdWords để thử các tiêu đề khác nhau thì cái tên "The 4-Hour Work Week: Escape 9-5, Live Anywhere, and Join the New Rich" (Tuần làm việc 4 giờ: không phải làm 8 giờ mỗi ngày, có thể sống bất kỳ đâu mà vẫn giàu) lại gây hiệu ứng mạnh nhất. Nếu vẫn chọn cái tên ban đầu thì chắc cuốn sách không thể có tiếng vang như bây giờ.
Ngoài việc thu thập email qua các quảng cáo thử, hãy kiếm thêm cả các thông tin liên quan dưới dạng một cuộc khảo sát mini. Ví dụ, bạn có thể thử công cụ "tất cả trong một" QuickMVP để tạo một trang giới thiệu rồi dùng Google AdWords để tăng lượng truy cập và phân tích nhu cầu của khách.
Bước 2: Khám phá giải pháp
6. Thử nhiều phiên bản trang web của bạn.
Thiết kế và trải nghiệm người dùng có ảnh hưởng nhất định đến thái độ của người dùng đối với doanh nghiệp và dịch vụ của doanh nghiệp. Vì thế, hãy để người dùng thử nghiệm các thiết kế và trải nghiệm.

Ảnh minh họa. 
Launchrock là một trang web lý tưởng giúp bạn xây dựng trang giới thiệu sản phẩm/dịch vụ và phân tích số liệu người dùng. Hoặc bạn có thể sử dụng trang Optimizely để so sánh nhiều cách thiết kế khác nhau cho cùng 1 website của bạn xem mẫu nào mang lại tỉ lệ tương tác cao nhất. Bạn có thể tìm hiểu thêm về các yếu tố cơ bản làm nên một trang web có sức lan tỏa lớn tại đây.
7. Trao đổi với những người dùng bản beta.
Những người dùng thử phiên bản beta có thể trở thành "tem bảo đảm" của bạn khi tung ra sản phẩm mới. Để lôi kéo mọi người tham gia dùng thử, bạn có thể sử dụng các trang web như Betali.st, Erli Bird, StartupLi.st,... 
Bước 3: Thị trường
8. Phân tích hành vi dùng trang web.
Việc kiểm tra xem từ khóa nào có lượng truy cập lớn nhất sẽ giúp bạn hiểu rõ khách hàng hơn. Hãy khai thác công cụ Google Analytics để theo dõi việc thực hiện mục tiêu, tìm hiểu đối tượng khách hàng tiềm năng, mối quan tâm và hành vi của họ.
9. Phân tích xem chiến dịch tiếp thị nào có thể gây hiệu ứng mạnh nhất.
Việc bạn hiểu hành vi của những người dùng cuối cũng quan trọng không kém việc bạn hiểu được hành vi  của những người có tác động đến các người dùng cuối cùng này. Một số công cụ phân tích mạng xã hội như Copromote và Bottlenose có thể giúp bạn làm được điều này.  
10. Thử áp dụng các chương trình khách hàng giới thiệu cho khách hàng với những phần quà cho người giới thiệu.
Các chương trình giới thiệu khách hàng này là cách tuyệt vời để bạn có thêm khách hàng mới mà vẫn làm vui lòng khách hàng cũ.  
Dropbox là một ví dụ nổi tiếng về việc sử dụng thành công chương trình giới thiệu khách hàng. Công ty này đã rất thông minh khi có hình thức khuyến khích cho cả khách hàng mới và khách hàng cũ. Cụ thể là công ty sẽ tặng thêm dung lượng lưu trữ cho những người mời được bạn bè đăng ký trực tiếp hoặc đăng ký qua link giới thiệu.
KIỀU CHÂU

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn