Ngành của chúng tôi không coi trọng truyền thống mà chỉ coi trọng sự cải tiến”, Satya Nadella đã nói như thế vào tháng 2.2014 khi ông được chọn làm Tổng Giám đốc Microsoft.
Câu nói này đã báo hiệu một sự thay đổi lớn trong đường hướng của tập đoàn phần mềm số 1 thế giới dưới thời của tân Tổng Giám đốc. Quả đúng như vậy, sau một năm dưới sự lèo lái của Nadella, Microsoft đã cho thấy những dấu hiệu hồi sinh.
Thổi luồng sinh khí mới
Sau 39 năm, công ty do tỉ phú Bill Gates đồng sáng lập được nhiều người đánh giá là một gã “lớn xác” nhưng lại quá chậm chân trong cuộc đua công nghệ vì quá dựa dẫm vào hệ điều hành Windows và thất bại trong việc bước chân vào các thị trường mới như di động. Các sản phẩm cốt lõi như Microsoft Office - bộ ứng dụng trong đó có Word và Excel - được “thiết kế” chỉ xoay quanh hệ điều hành Windows và chỉ có một vài phần được thay đổi để có thể chạy được trên hệ điều hành iOS của Apple và hệ điều hành Android của Google.
Thế nhưng, sau khi Nadella giữ chức Tổng Giám đốc, ông đã ráo riết tái cấu trúc đưa Tập đoàn thoát khỏi cái bóng của Windows và vươn ra các lĩnh vực mới, đặc biệt là điện toán đám mây và các ứng dụng dành cho iOS và Android. Kể từ tháng 12 năm ngoái, Microsoft đã mua lại 2 công ty nhỏ chuyên về các ứng dụng di động giúp gia tăng hiệu suất làm việc cho thiết bị chạy hệ điều hành iOS và Android.
Và để thu hút người sử dụng trẻ tuổi hơn, tháng 9 năm ngoái, Tập đoàn đã mua lại Mojang, nhà sản xuất trò chơi video Minecraft với giá 2,5 tỉ USD và đang gia tăng thêm đặc tính mới cho Windows như các hình ảnh không gian 3 chiều mà người sử dụng có thể nhìn được thông qua một thiết bị đeo vào đầu và điều khiển bằng các cử động tay.
Phiên bản mới nhất của công cụ phân tích dữ liệu thông minh Power BI của Microsoft đã được tung ra vào tháng 1 vừa qua, lần đầu tiên cho các hệ thống iOS. “Microsoft đã không thực sự cho thấy bất cứ một tầm nhìn nào tương tự như thế trong một thời gian rất dài. Và tất cả những gì Microsoft làm chỉ là thay thế dàn điều hành cấp cao”, Michael Silver, chuyên gia phân tích tại hãng nghiên cứu Mỹ Gartner và là một người theo dõi Microsoft lâu năm, nhận xét.
Trong năm đầu tiên dưới sự điều hành của Nadella, giá cổ phiếu Microsoft đã tăng 14% và doanh số bán tăng 12%. Và không giống như người tiền nhiệm Steve Ballmer, tân Tổng Giám đốc Satya Nadella rất được lòng các nhà đầu tư, các công ty đầu tư mạo hiểm và các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.
Nadella cũng rất được lòng nhân viên, điều đáng ngạc nhiên cho một vị Tổng Giám đốc đã ký giấy cho nghỉ việc hàng ngàn lao động: Hồi tháng 7 vừa qua, Nadella đã công bố cắt giảm tới 18.000 lao động - đợt sa thải được xem là lớn nhất trong lịch sử Microsoft. Các nhân viên cho biết họ đánh giá cao những thay đổi trong chiến lược của Nadella và nỗ lực của ông trong việc đưa Tập đoàn trở nên tinh gọn và bớt tính quan liêu hơn.
Thách thức của tân Tổng Giám đốc
Hiện tại, một vấn đề lớn mà Nadella đối mặt là làm thế nào tạo ra nhiều doanh thu hơn từ các lĩnh vực mới, cụ thể là từ số lượng người đăng ký sử dụng dịch vụ điện thoại đám mây và các ứng dụng miễn phí. Ông phải làm sao để các mảng doanh thu mới này có thể bù đắp cho nguồn thu lớn từ việc bán phần mềm Office và Windows xưa nay.
Báo cáo lợi nhuận hằng quý Microsoft được công bố hồi tháng 1 đã cho thấy những thách thức và rào cản mà Nadella đang vấp phải. Trong khi doanh số bán phần mềm đám mây cho khách hàng doanh nghiệp đã tăng hơn gấp đôi trong quý kết thúc vào ngày 31.12.2014 thì doanh số bán mảng Office và Windows truyền thống cho doanh nghiệp lại thấp hơn mức ước tính của giới phân tích. Doanh số bán Windows cho các nhà sản xuất máy tính cá nhân giảm tới 13%. Tính chung, lợi nhuận trong quý đã giảm 11% so với năm ngoái xuống còn chỉ 5,86 tỉ USD trong khi doanh số bán tăng 8% đạt 26,5 tỉ USD.
Trong khi đó, theo Bloomberg, trong năm tài chính này, doanh thu dự kiến sẽ chỉ tăng 8,6% đạt 94,3 tỉ USD, chậm lại từ mức tăng 2 con số của năm ngoái. Brad Silverberg, một nhà đầu tư mạo hiểm và từng là nhà điều hành tại Microsoft, cho rằng việc nhanh chóng khai thác nguồn thu từ các lĩnh vực mới nói trên sẽ là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn cho Nadella.
Microsoft cũng gặp một số làn gió ngược từ bên ngoài. Doanh thu đang bị ảnh hưởng bởi biến động tỉ giá trong khi Chính phủ Trung Quốc thì đang điều tra Microsoft về những cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền và không loại trừ khả năng, nước này có thể sẽ ngưng việc mua phần mềm của Tập đoàn. Chính phủ của Tổng thống Nga Vladimir Putin thì nói rằng muốn giảm sự phụ thuộc vào Microsoft.
Tuy vậy, trong cuộc họp vào tháng 1, Nadella lại rất tự tin có thể hoàn thành sứ mệnh. “Ở đâu gặp vấn đề về công tác thực hiện triển khai, chúng tôi sẽ giải quyết ngay. Ở đâu gặp vấn đề liên quan đến kinh tế vĩ mô, chúng tôi cũng sẽ vượt qua”, ông nói.
Windows từng thống lĩnh ngành máy tính và có mặt trên hơn 90% thiết bị máy tính, nhưng giờ chỉ chạy trên 11% số thiết bị và máy tính, theo hãng nghiên cứu Sanford C. Bernstein. Nhưng Nadella và Terry Myerson, phụ trách mảng Windows, đang tìm cách để nâng cấp phần mềm này nhằm lấy lại phong độ cho Windows.
Còn James Philips, phụ trách công cụ thông minh Power BI, thì cho biết Nadella sử dụng Power BI để theo dõi và thu thập một lượng thông tin khổng lồ về cách sử dụng sản phẩm và tình hình tài chính nhằm xem thử chỗ nào hiệu quả và chỗ nào chưa hiệu quả, để từ đó có biện pháp khắc phục và cải thiện. Nadella cũng đo lường và gắn kết quả làm việc của các nhà điều hành với những thước đo từ công cụ thông minh Power BI. “Satya đã và đang dẫn dắt mọi người trong Tập đoàn trở nên tập trung hơn vào dữ liệu”, Giám đốc Chiến lược Mark Penn nhận xét.
Trong nội bộ Tập đoàn, Nadella và các nhà điều hành dưới trướng của ông đã xác định rất rõ rằng có thể sẽ có một ngày các thế hệ trẻ hơn những người sử dụng máy tính và phần mềm sẽ không muốn sử dụng các sản phẩm của Tập đoàn. Bằng chứng là trong một cuộc họp hội đồng quản trị vào năm ngoái, Myerson, người phụ trách mảng Windows, đã trình bày một slide có nhiều hình ảnh mà trong đó các sinh viên, học sinh đang sử dụng máy tính bảng iPad và máy Mac của Apple, theo phát ngôn viên Peter Wootton của Microsoft.
Ý thức rất rõ viễn cảnh này nên Nadella đã chuẩn bị cho những ngày đó. Ông bắt đầu bằng cách thực hiện những thay đổi trong văn hóa công ty. Năm ngoái, Nadella đã bảo với nhân viên rằng họ có thể không tham dự các cuộc họp nếu thấy thực sự không cần thiết phải có họ ở đó. Và ông cũng khuyên các nhân viên gặp ông trực tiếp nếu họ thấy tính quan liêu vẫn còn, gây trở ngại cho công việc. “Cả tập đoàn biết rằng đã đến lúc phải thay đổi. Bởi thị trường đang có những thay đổi lớn mà doanh nghiệp cần phải thích ứng để tồn tại”, Philips cho biết.
Nadella cũng đã thay đổi cách sắp xếp tổ chức các nhóm kỹ thuật, bỏ khâu thử nghiệm để đẩy nhanh quá trình tung sản phẩm ra thị trường và gia tăng thêm số lượng nhà khoa học và nhà thiết kế trong các nhóm kỹ thuật. Wootton cũng cho biết, Nadella đang tìm cách cắt giảm một số tầng lớp quản lý trung gian để rút ngắn quá trình ra quyết định và loại bỏ các tầng lớp quan liêu.
Giám đốc Công nghệ Mike Meadows thuộc Công ty Eli Lilly cũng đánh giá Microsoft giờ đã cởi mở, thoải mái hơn trước rất nhiều cũng như biết lắng nghe, quan tâm hơn đến nhu cầu của khách hàng. Ông rất vui mừng khi thấy Tập đoàn trình diễn các sản phẩm mới trên iPad tại hội nghị các giám đốc công nghệ của Microsoft vào mùa thu vừa rồi. Meadows cho biết hiện 20.000 nhân viên kinh doanh của Eli Lilly đang sử dụng máy tính bảng của Apple. “Microsoft bắt đầu cho thấy họ đã hiểu rõ hơn tình hình thực tế. Họ có thể nói rằng “chúng tôi đã và đang đi theo hướng này lâu rồi. Thế nhưng, rõ ràng chính Satya là người đã nhóm lên ngọn lửa tại Microsoft”, ông nhận xét.
Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư
Đăng nhận xét