Tranh luận không phải chỉ liên quan đến logic. Để chiến thắng trong các cuộc tranh luận, bạn cần phải hiểu đối phương và áp dụng vài thủ thuật tâm lý.

Trong bài viết này, Drake Baer - phóng viên mảng chiến lược, lãnh đạo và tâm lý tổ chức của Business Insider đã chia sẻ 7 cách có thể giúp một cá nhân chiến thắng khi tranh luận. Đó là:

1. Chấp nhận quan điểm

Tranh luận không phải hợp lý là thắng. Điều bạn cần là tôn trọng quan điểm của đối thủ, bất kể ý kiến đó vô lý đến mức nào.
"Khi một người cảm nhận được đối phương đang tôn trọng họ, họ sẽ có xu hướng cởi mở hơn trong tiếp nhận các thông tin từ đối phương, so với những cá nhân thách thức quan điểm của họ", chuyên gia tâm lý chính trị Peter Ditto từ đại học California chia sẻ.
Khởi đầu bằng kết nối cảm xúc vững chắc đó, bạn có thể bắt đầu đưa các lập luận của mình vào quan điểm của đối phương.

2. Đừng cố "thắng" bằng mọi giá

Liên tiếp tấn công các ý tưởng của người khác đồng nghĩa với việc dồn đối phương vào chân tường. Ở vị thế này, họ sẽ phản kháng lại rất mạnh mẽ và không để bất cứ ai đạt được điều người đó muốn.
Vì vậy, nếu muốn thuyết phục đối phương, bạn cần thực tập lối suy nghĩ "cực kỳ đồng ý": chấp nhận góc nhìn của đối phương, tạo không khí cởi mở để họ trình bày vấn đề một cách logic và nếu được thì để họ đi đến quyết định riêng của họ trước. Điều này giúp giảm thiểu thái độ phản kháng của đối phương.

3. Đừng nói "vì sao", hãy nói "làm thế nào"

Theo nghiên cứu năm 2013 của chuyên gia tâm lý Philip M. Fernbach thuộc đại học Colorado đã phân loại những người có góc nhìn cực đoan về chính trị theo hai nhóm: những người phải giải thích vì sao ý kiến của họ đúng, và những người giải thích làm cách nào các ý tưởng của họ có thể chuyển thành chính sách thực tế.
Kết quả so sánh hai nhóm cho thấy, những người thuyết phục mọi người về ý tưởng của họ thì chỉ cảm thấy tự tin sau khi đã thử nghiệm ý tưởng đó. Ngược lại, những người có thể giải thích được cơ chế thực hiện ý tưởng có sức thuyết phục cao hơn.

4. Đặt những câu hỏi mở

Nếu bạn đang trong một cuộc tranh luận với vợ/chồng của mình, chuyên gia tâm lý John Gottman đề nghị hãy đặt những câu hỏi cho phép người đó được bày tỏ suy nghĩ của mình. Những câu hỏi mở giúp chuyển hóa một cuộc tranh cãi mang tính đối kháng sang hợp tác cùng giải quyết.

5. Tự tin

Mọi người sẽ không lắng nghe người thông minh nhất trong phòng mà chỉ lắng nghe những cá nhân biết rõ là mình đúng.
Giáo sư Bryan Bonner của đại học Utah cho biết: mọi người có xu hướng tìm kiếm trong vô thức những yếu tố như xu hướng nội tâm (hướng nội, hướng ngoại), giới tính, chủng tộc hoặc mức độ tự tin của người đang trình bày làm cơ sở để tin tưởng thay vì nội dung được nghe. Vì vậy, thể hiện sự chắc chắn trong phong thái sẽ giúp bạn có vị thế tự tin trước đối thủ của mình.

6. Sử dụng biểu đồ

Một nghiên cứu mới từ hai nghiên cứu sinh của đại học Cornell là Aner Tal và Brian Wansink cho biết mọi người tin tưởng vào các nhà khoa học. Vì vậy, xây dựng tính khoa học cho bài tranh luận của mình bằng sách sử dụng biểu đồ sẽ làm cho các lý lẽ của bạn vững chắc hơn.

7. Chứng minh rằng có một bên thứ ba đã đồng ý

Trong quyển "Influence: The Psychology of Persuasion", tác giả Robert Cialdini đã viết "bằng chứng xã hội" là một trong những kỹ thuật tốt nhất để thúc đẩy mọi người nhìn nhận vấn đề theo cách của bạn. Chứng minh được một sự đồng thuận từ bên thứ ba trong lập luận của mình sẽ giúp bạn thuyết phục được cả những người xa lạ.
Theo khái niệm "bằng chứng xã hội", chúng ta thường tự giả định rằng những gì một đám đông đang làm là cách ứng xử đúng đắn trong một tình huống. Đây là lý do vì sao những hàng người xếp dài bên ngoài mang đến cảm giác nhà hàng này là ngon cho người qua đường.
Khái niệm này cũng khẳng định sự đồng thuận từ người nổi tiếng, đại diện cho một đám đông nhất định, thường là công cụ hiệu quả trong marketing.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn