Dân mạng Việt đã có những ngày "sốt sùng sục" với nhân vật nữ Võ Tắc Thiên trong bộ phim cổ trang Trung Quốc dài tập "Võ Mỵ Nương truyền kì" đang được công chiếu trên truyền hình. Đổ xô thành làn sóng hóa trang thì ắt hẳn vì thấy hay, thấy đẹp, thấy thích…, nhưng đến mức già, trẻ, chó, mèo cũng hóa trang giống Võ Tắc Thiên rồi đăng ảnh lên Facebook, nữ hóa trang thành nhân vật nữ hoàng đế đã đành mà nam giới cũng hóa trang… biến thái, thì trò vui này đã đi quá giới hạn.
Dùng ứng dụng "Võ Tắc Thiên" trên điện thoại di động, nhiều bạn trẻ theo trào lưu đã vào vai Võ Tắc Thiên với họa tiết hoa sen giữa trán và đôi môi đỏ
Sự bắt chước hời hợt…
Bắt chước là một trong những thuộc tính của con người, diễn ra ở nhiều lĩnh vực. Việc bắt chước thần tượng từ hóa trang, cách ăn mặc, thậm chí cách nói năng, tính cách âu cũng là chuyện quá bình thường trong xã hội. Nhưng nếu xem, đọc những gì thể hiện trên Facebook nói riêng và mạng xã hội nói chung những ngày qua dễ dàng nhận thấy rằng, trong cái bình thường của trào lưu bắt chước hình tượng Võ Tắc Thiên được vào vai bởi Hoa đán Phạm Băng Băng - một trong những diễn viên từng được bầu chọn là người phụ nữ đẹp nhất Trung Quốc - thì cũng dễ dàng nhận ra rằng trong cái bình thường đã xuất hiện sự không bình thường.
Đầu tiên là các sao đang nổi của Việt Nam hóa trang thành Võ Tắc Thiên, dần dần kéo theo các hotgirl, rồi nam thanh nữ tú, rồi cả những gương mặt góc cạnh già nua tuổi trung niên cũng ráng đóng cho được cái dấu đỏ lên trán… Một sự hổ lốn, nửa người nửa ngợm. Chúng ta không nên kì thị người đồng tính, song trước các trường hợp hóa trang thành Võ Tắc Thiên trông nam chẳng ra nam nữ chẳng ra nữ tràn lan trên Facebook, một cảm giác gai gai ùa về…
Một sự bắt chước vui vẻ, đẫm tính trào lưu mang xã hội, nhưng rõ là quá hời hợt. Fans thấy sao làm thì làm theo, người này thấy người kia thành Võ Tắc Thiên cũng đua theo… Một cô bạn tôi quen biết, đóng cái dấu đo đỏ lên trán, quấn lại mớ tóc, tô đôi môi đỏ choét, rồi chụp ảnh gương mặt post lên Face. Nói thật, bình thường tôi thấy cô không phải là người quá xinh nhưng dễ nhìn, duyên dáng đáng yêu, nhưng cô trở thành Võ Tắc Thiên thì… tắt cả một cảm xúc.
Một kiểu bắt chước Võ Tắc Thiên
Vui thì ai chả thích. Cuộc sống càng căng thẳng với công việc thì niềm vui trở thành hiếm hoi và càng cần thiết lắm thay. Trịnh Công Sơn chả viết "mỗi ngày tôi chọn một niềm vui" là gì? Nhưng những ngày qua, tôi ngán lắm cái niềm vui hóa trang thành Võ Tắc Thiên mà rất nhiều người đua nhau chọn lựa, từa tựa, nhàn nhạt, nhiều người khó tính thì "trút" bực bội là "lai căng", người điềm tĩnh hơn thì cho rằng đó là chạy theo cái vui nhạt nhòa, vô hình chung làm hỏng hình tượng của những nhân vật lịch sử trong thế giới này, sa vào một thứ thẩm mỹ nhảm nhí. Các sao còn có điều kiện thực hiện những bộ ảnh đẹp, còn lại đại đa số chạy theo tự chụp tự sướng thì… xem mà phát ngán.
…và thiếu hụt thần tượng?
Qua ý kiến của một số sao Việt thì cũng 9 người 10 ý. Ca sĩ Tuấn Hưng thì khó chịu đến mức "không muốn nhìn thấy cảnh Facebook tràn ngập hình ảnh các bạn dùng app Võ Tắc Thiên"; Xuân Bắc thì không quan tâm; Á hậu Huyền My "thích thì hóa thân… nhưng phải có giới hạn"; diễn viên Lan Phương thì "không thích chạy theo phong trào"… Nhìn chung, ý kiến trung dung nhất là không ủng hộ nhưng cũng chẳng đả phá, song không đánh giá cao cái kiểu bắt chước bầy đàn và hời hợt như thế.
Những hình ảnh như thế này xuất hiện tràn lan trên mạng những ngày gần đây
Trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông thời gian qua diễn ra khá căng thẳng, và vấn đề dân tộc nổi lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, nhưng sự ghi nhận đáng nói là những người dù nổi tiếng hay không nổi tiếng khi nhận xét về phòng trào hóa trang bắt chước nhân vật Võ Tắc Thiên đều khá khách quan không đưa vấn đề gốc gác nhân vật lịch sử kia ra để "ném đá" hay bài xích. Thậm chí, khá nhiều ý kiến cho rằng đó là một nhân vật nổi tiếng, được diễn viên Pham Băng Băng hóa thân trong một số trạng thái sexy hấp dẫn, đẹp và ưa nhìn. Thực sự đúng thế, nhân vật Võ Tắc Thiên có tội tình gì, Hoa đán Phạm Băng Băng cũng chẳng có tội, nhà sản xuất phim quảng cáo phải may đến 3.000 bộ váy lộng lẫy cho các nhân vật cũng chẳng có lỗi…
Tôi tâm đắc với ý này của PGS-TS tâm lí học Huỳnh Văn Sơn: "Mỗi người đều có chuỗi hành vi cần được ý thức. Đừng để mình trở nên ngây ngô khi đám mây vui loạn trở thành một chiếc lưới hay một đám mưa phủ sạch sự lựa chọn hành vi chuẩn mực". Vậy thì vấn đề nằm ở chỗ, những Facebooker Việt thay vì "mua vui một vài trống canh" thôi thì lại lạm dụng, không làm chủ được trong sở thích hay trò vui hóa trang thành nhân vật Võ Tắc Thiên, cho nên hóa thành một thứ sến sẩm phản cảm và không bản sắc.
Chiến dịch PR, truyền thông cho bộ phim "Võ Mỵ Nương truyền kì" của nhà sản xuất Trung Quốc không phải mới mẻ gì mà đã từng diễn ra ở Việt Nam. Còn nhớ khi thực hiện bộ phim "Những cô gái chân dài" và một số bộ phim sau đó, hãng phim tư nhân Galaxy từng làm một chiến dịch PR khá thành công với những chiêu trò đánh bóng cho bộ phim từ lúc nó được khởi quay cho đến khi nó được ra mắt.
Nhưng đó chỉ là trường hợp làm với "Những cô gái chân dài" chứ với các nhân vật lịch sử, để xây dựng thành những hình tượng "lấp lánh" (chữ dùng của diễn viên Lan Hương) nghệ thuật cùng với sự chăm chút vẻ đẹp hình thể của diễn viên, thì nền điện ảnh Việt Nam, nền truyền hình Việt Nam cũng như nền sân khấu, chưa đạt tới được, hay nói chính xác hơn là còn nhiều hụt hẫng và trống vắng, vì thế giới trẻ không có gì nhiều để "vui", "chơi". Có thể chúng ta đã xây dựng được những hình tượng chính trị có sức hút mạnh mẽ. Có thể chúng ta cũng đã thành công trong việc xây dựng các hình tượng nghệ thuật về nhân vật lịch sử, song mới chỉ đạt ở một mức độ và tầm vóc nhất định, chưa thể tạo ra làm sóng cuốn hút cộng đồng mạng như nhân vật Võ Tắc Thiên (Phạm Băng Băng) trong "Võ Mỵ Nương truyền kì".
Thẩm Hồng Thụy
Theo: Vnreview.vn
Đăng nhận xét