Từng có rất nhiều mạng xã hội Việt xuất hiện với tham vọng đánh bại Facebook, nhưng tất cả đều thất bại.

Năm 2009, sau khi Yaho!360 đóng cửa là thời điểm Việt Nam bùng nổ các mạng xã hội nội địa như Zing Me, GoOnline, Yume, Tamtay.net, CyberWorld, Banbe.net… Đến năm 2011, có những cái tên còn vẫn nổi đình đám và được truyền thông rầm rộ như Yume của VON, GoOnline của VTC và nổi trội nhất là Zing Me của VNG. Tháng 3/2011, theo số liệu từ Google Ad Planner, Zing Me đã đạt 6,8 triệu lượt khách truy cập, vượt mặt được Facebook với 3,1 triệu lượt khách truy cập tại Việt Nam.
Tuy nhiên, từ năm 2012 trở đi, Facebook đã phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam và cho đến hiện nay, 2014, các mạng xã hội Việt gần như hoàn toàn mờ nhạt. Thậm chí Zing Me chỉ còn là "một ngôi nhà hoang" và quay về với việc phục vụ game thủ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các mạng xã hội Việt thất bại trước gã khổng lồ Facebook, nhưng điều cốt lõi là quá thiếu sự sáng tạo.
Thời gian đầu khi mới ra đời, các mạng xã hội Việt đều theo xu hướng của Yahoo!360, tập trung vào việc tự tạo nội dung (viết blog, chia sẻ hình ảnh, video). Nhưng khi Facebook xuất hiện và tập trung vào sự tương tác, kết nối bạn bè, người dùng… Những sản phẩm bắt kịp xu hướng như Yume, hay Zing Me và Go Online có tồn tại thêm được một thời gian nhưng về sau vẫn bị đè bẹp. Rõ ràng là nếu không sáng tạo và có sự khác biệt thì làm sao những người đi theo có thể vượt mặt được gã khổng lồ Facebook.
Hướng đi nào cho phát triển mạng xã hội mới?
Có thể nói phần lớn thị phần người dùng mạng xã hội tại Việt Nam hiện nay đều do Facebook nắm giữ, số còn lại chia nhỏ cho Instagram và một số ông lớn nước ngoài khác. Vì vậy, khi start-up Việt muốn xây dựng mạng xã hội nội địa có thể chọn hướng đi vào những ngách nhỏ (khai thác nhóm người dùng đặc biệt, có nhu cầu riêng). Sau đây là những sản phẩm khởi nghiệp châu Á dựa trên mô hình mạng xã hội đã thành công trong việc khai thác nhóm người dùng đặc biệt:
Mạng xã hội hình ảnh bé dành cho gia đình Kiddy
Vì sự thiếu an toàn nên nhiều gia đình rất ngại đăng tải hình ảnh của con mình lên những mạng xã hội cộng đồng. Hiểu được tâm lý đó, Kiddy (sản phẩm của startup Nhật Bản, Compath Me) đã ra đời. Đây là một mạng xã hội nhật ký hình ảnh dành cho các gia đình. Nó cho phép bạn chụp, thiết kế ảnh của các bé, tạo nhật ký ảnh (sách ảnh) và chia sẻ chúng trong nội bộ gia đình.
kiddy
Một tính năng hấp dẫn và cũng là mô hình kinh doanh của Kiddy: Nếu bạn muốn, bạn có thể chọn lệnh in những tấm hình gia đình với nhiều tùy chỉnh kích cỡ, chất lượng in… và được giao đến tận nhà. Một cuốn sách ảnh sẽ có mức phí vào khoảng từ 16,90 - 32,90 USD tùy vào số lượng và chất lượng bản in. Ngoài ra, người dùng có thể chọn gói phí thấp (2,59 USD/tháng) để nhận những bưu thiếp nhỏ được gửi đến mỗi tháng.
Hiromichi Ando, Nhà sáng lập của Compath Me công bố có hơn 50,000 gia đình đang sử dụng Kiddy. Mặc dù không công bố doanh thu trung bình từ mỗi người dùng, nhưng Ando khẳng định con số cao hơn các ứng dụng di động khác. Tháng 5 vừa rồi, Compath Me vừa hoàn thành vòng tài chính 500,000 USD được dẫn đầu bởi Venture United. Trước đó, công ty cũng đã nhận được đầu tư từ DG Incubation, Archetype, và Netprice.com.
Hiện tại thì dịch vụ in ảnh, bán ảnh chỉ có mặt tại Nhật Bản, nhưng Kiddy đang chuẩn bị kế hoạch tấn công thị trường nước ngoài. Và tương lai, Kiddy sẽ phát triển không chỉ là nhật kí hình ảnh gia đình mà còn là một nền tảng thông tin để các thành viên trong gia đình tìm hiểu nhau, biết các hoạt động của nhau.
Mạng xã hội dành cho thú cưng của Trung Quốc – SmellMe
Trên SmellMe, bạn sẽ tạo một hồ sơ cho thú cưng của mình, sau đó đăng tải hình ảnh, tô điểm cho chúng bằng những phụ kiện, đăng tải video,… Đây cũng là nơi để bạn kết nối với những người chủ khác, phối giống hoặc tìm bạn đời cho chúng.
Bên cạnh một mạng xã hội, SmellMe xây dựng rất nhiều tính năng hỗ trợ khác như diễn đàn hỏi đáp chia sẻ kinh nghiệm hay bản đồ với những địa điểm liên quan đến thú nuôi (shop đồ thú nuôi, phòng khám thú y, khách sạn thú cưng, nhưng nơi chăm sóc, làm đẹp cho thú cưng). Doanh thu của SmellMe đến từ việc thu phí các địa điểm dành cho thú nuôi nói trên.
SmellMe
Theo trang blog công nghệ 36Kr của Trung Quốc, SmellMe hiện có hơn 500,000 người đăng kí sử dụng. Tháng 5 vừa rồi, SmellMe cũng vừa gọi thêm 1,6 triệu USD trong vòng đầu tư pre-series A từ ChinaVenture Group.
Mạng xã hội du lịch Joguru
Joguru (nay lấy tên là TripHobo) là sản phẩm của một start-up Ấn Độ. Đây là một mạng xã hội để tìm kiếm những người bạn đồng hành, hỏi đáp những câu hỏi về du lịch, chia sẻ hình ảnh, video cho bạn bè và đánh giá các địa điểm bạn từng đi qua.
Điểm đặc biệt nhất của Joguru là được thiết kế để bạn có thể lên lịch cho chuyến đi một cách nhanh chóng và đơn giản. Bạn chỉ cần chọn điểm muốn đến, ngày muốn đi, Joguru cung cấp đầy đủ thông tin về phương tiện di chuyển gần nhất, giờ mở cửa, giá vé, nhà hàng , khách sạn (kèm giá)… để bạn lựa chọn và tùy chỉnh cho chuyến đi của mình.
Joguru hợp tác với 200 chuyên gia về du lịch để đảm báo chất lượng nội dung của toàn bộ hệ thống. Hiện nay, cơ sở dữ liệu của Joguru lên đến 600 thành phố, đặc biệt là thông tin về các khách sạn. Với phiên bản thử nghiệm, Joguru đã nhanh chóng thu hút được hơn 50,000 người sử dụng với 65% là người dùng Ấn Độ. Joguru đã nhận được 200,000 đô la Mỹ trong vòng đầu tư đầu tiên từ những nhà đầu tư cá nhân. Mô hình kinh doanh của Joguru là bán quảng cáo và kết hợp với các đại lý du lịch.
Kết
Thực tế, đã có những công ty start-up Việt đem những ý tưởng hay ho về thị trường trong nước nhưng lại không làm tới nơi. Những mạng xã hội kể trên, ngoài có một ý tưởng hay đã xây dựng được tính năng đáp ứng nhu cầu người dùng và tạo được một mô hình khả thi. Đặc biệt hơn nữa, họ chú trọng vào tính địa phương để sản phẩm phù hợp nhất với người dùng trong nước. Đây là điều mà các start-up Việt nên tham khảo và học hỏi.
Theo Trí Thức Trẻ

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn