Vị CEO này không mới với mọi người, tuy nhiên ông vẫn còn có thứ gì đó muốn trình bày. Ông đứng trước nhiều khán giả, trong đó có nhiều người là fan cuồng nhiệt, để giới thiệu một thiết bị số không chỉ là “đầu tiên trên thế giới” mà còn hứa hẹn sẽ định nghĩa lại cả một thể loại sản phẩm. Thiết bị thậm chí còn có một cái bánh xe lăn lăn và giá bán vào khoản 400$.
Ông CEO đó chính là Steve Jobs, và thiết bị nói trên là chiếc iPod thế hệ đầu tiên. Sự ra đời của sản phẩm này là đón bẩy giúp đưa Apple trở thành công ty có giá trị nhất thế giới. Và đến năm 2014, một chuyện tương tự đã diễn ra khi Tim Cook giới thiệu Apple Watch vào hôm 9/9 vừa rồi, chỉ trừ chuyện căn phòng mà Cook mời mọi người đến lớn hơn nhiều so với khán phòng của Steve Jobs lúc trước. Ngoài ra, sự kì vọng của mọi người đối với mẫu đồng hồ mới này cũng rất khác: sau những thiết bị có khả năng định nghĩa lại thế giới như iPod, iPhone, iPad, người ta càng lúc càng hi vọng Apple Watch sẽ có thứ gì đó nổi bật, và như mọi lần trước, có khả năng thay đổi những gì mà người ta nghĩ về smartwatch.
Video sự kiện ra mắt iPod năm 2001
Apple từ trước đến nay đã theo đuổi triết lý không cần là người đầu tiên, chỉ cần là người tốt nhất. Trước khi iPod ra mắt, hàng loạt máy nghe nhạc MP3 khác đã được tung ra thị trường bởi những công ty lớn nhỏ khác nhau từ đủ mọi quốc gia nhưng không gây được sức ảnh hưởng lớn, cũng như việc hiện nay smartwatch không hiếm nhưng cũng chưa có sản phẩm nào thật sự thu hút sự chú ý của thế giới. Apple có được vị thế thống trị của mình bằng cách vượt qua giới hạn của đối thủ và gần như sở hữu hoàn toàn thể loại mà họ đang cạnh tranh. Với Apple Watch, hãng dự tính sẽ thực hiện một cú hattrick tương tự. Câu hỏi là liệu công ty có thành công hay không.
Quay trở lại năm 2001, Jobs mô tả thị trường máy nghe nhạc kĩ thuật số lúc bấy giờ như thế này: “Trong cuộc cách mạng âm nhạc kĩ thuật số hoàn toàn mới như hiện nay không có một người dẫn đầu nào cả”. Các công ty khởi nghiệp như Sonic Blue hay Creative đã có máy MP3 của họ, Jobs nói, cũng như những ông lớn như Sony. Tuy nhiên, “không ai thật sự tìm ra được công thức cho nhạc số”. Nếu áp dụng những lời nói này cho thị trường smartwatch hiện tại thì chúng ta sẽ thấy rất nhiều điểm tương đồng: từ các công ty khởi nghiệp như Pebble, Omate cho đến các tên tuổi lớn như LG, Samsung, Asus, Sony đều đã bán đồng hồ thông minh. Tất cả đều cố gắng hết mình, tuy nhiên không có ai thật sự là một người dẫn đầu.
Lại nói đến iPod, sản phẩm này đã tạo ra một chứng bệnh “mất trí nhớ” cho người tiêu dùng. Không nhiều người có thể gọi tên hay mô tả những chiếc máy MP3 ra mắt trước iPod. Bằng cách kết hợp tốt kho nhạc iTunes với một thiết bị vừa thời trang vừa nhỏ gọn, Apple đã khiến người ta không còn nhờ đến những mẫu máy đi trước, và thế là hãng đã tìm ra được một công thức đúng đắn. Giờ đây, Apple Watch chính là nỗ lực của Apple nằm tạo ra hiện tượng tương tự.
Kể từ khi Steve Jobs mất hồi năm 2011, Tim Cook đã bị chỉ trích bởi nhiều người, từ những nhà phê bình, nhà đầu tư phố Wall cho đến người tiêu dùng, bởi vì Apple chưa ra mắt được một thiết bị nào mới hoàn toàn nào mà chỉ tập trung cải thiện những thiết bị hiện có. Cook hoàn toàn có thể tung ra chiếc Apple Watch vào một thời điểm sớm hơn, nhưng đó không phải là cách mà Apple kinh doanh.
Thay vào đó, Apple sẽ dành thời gian để không chỉ xây dựng nên một công nghệ mới mà còn để thăm dò xem thị trường hiểu như thế nào về khái niệm “thiết bị đeo được”. Và kết quả mà công ty nhận thấy đều xoay quanh chữ “cá nhân”. Hôm 9/9, Cook đã nói “Apple Watch là thiết bị mang tính cá nhân cao nhất mà Apple từng tạo ra”. Chiếc đồng hồ này có thể chạm đến suy nghĩ của bạn, và bởi vì nó lúc nào cũng hiện bên ngoài nên nó sẽ nói lên ít nhiều về tính cách, về con người của bạn. Hãy nhìn chiếc smartphone mà xem, dù nó có cao cấp, có xịn hay có thời trang đến cỡ nào thì phần lớn thời gian nó vẫn nằm trong túi quần, chỉ khi nào bạn rút nó ra sử dụng thì người ta mới thấy được chứ không như đồng hồ.
Chính vì vậy, Apple đã giới thiệu hàng loạt thứ liên quan đến tính “cá nhân” dành cho Apple Watch, từ việc hiển thị các thông báo đẩy từ điện thoại sang cho đến rất nhiều tùy chọn về kích thước đồng hồ, màu vỏ, dây đeo và thậm chí là cả chất liệu. Hơn bất kì sản phẩm nào mà công ty từng ra mắt, Apple muốn Watch thật sự là một thiết bị của chính bạn và dành cho riêng bạn.
Nhưng vẫn còn đó một câu hỏi khá cơ bản mà chúng ta vẫn chưa trả lời: một chiếc smartwatch phải làm được những gì? Đây không phải là trường hợp của iPod nhiều năm về trước. Mục đích sử dụng và lợi thế của chiếc máy nghe nhạc năm 2001 rất dễ giải thích: “Nhạc là một phần trong cuộc sống hằng ngày của mọi người. Tất cả mọi người. Nhạc đã có từ rất lâu rồi, và nó sẽ luôn tồn tại xung quanh chúng ta”, Jobs nói trong buổi lễ ra mắt. “Đây không phải là một thị trường đáng nghi vấn”. Chiếc iPod có thể chơi nhạc, và nó chứa đến 1000 bài hát, một con số khổng lồ vào thời điểm bấy giờ. Trong khi đó, sự tồn tại của smartwatch thì vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng, nhất là trong bối cảnh hầu hết các tính năng của đồng hồ vẫn còn phải phụ thuộc vào chiếc smartphone.
Về hình dáng, tính năng của chiếc Apple Watch và lời bình luận của mọi người về hai khía cạnh này, chúng ta có thể liên hệ đến iPad. Khi dòng máy tính bảng mang logo quả táo lần đầu ra mắt năm 2010, người ta chế giễu rằng đây chỉ là một chiếc iPhone phóng to, vài người còn chế hình iPad bằng 4 chiếc iPhone ghép lại. Chỉ đến khi iPad được phân phối đến tay người dùng và người ta đã có đủ thời gian trải nghiệm nó thì thế giới mới nhận ra rằng những màn chế giễu trước đây đã sai.
Trước iPad, người ta kì vọng tablet sẽ có khả năng y như laptop, làm đủ mọi chuyện trên đời. Còn sau iPad, người ta nhận ra máy tính bảng không thể làm hết mọi thứ, mà nó chỉ làm tốt nhất trong việc duyệt web, xem video, đọc sách, và sau này là chơi game. Apple Watch nói riêng và smartwatch nói chung hoàn toàn có thể trải qua một giai đoạn tương tự, có điều nó chưa xuất hiện trên diện đủ rộng để người ta nhận ra.
Apple Watch còn có thể được mở ra để cho các nhà phát triển phần mềm khác cùng tham gia vào hệ sinh thái chứ không bị đóng như iPhone lúc đầu. Có thể, Apple nhận ra rằng chưa ai thật sự tìm ra một tình huống sử dụng hữu hiệu nhất của wearable, thế nên hãng cung cấp đủ loại tính năng khác nhau và nhiều cách khác nhau để sử dụng thiết bị. Một khi sản phẩm được tung ra và lan rộng trên toàn cầu, tất cả chúng ta - bao gồm cả Apple - sẽ biết được người dùng chú ý đến những tình huống sử dụng nào nhất khi họ đeo một cái đồng hồ thông minh trên tay,
Một lợi thế mà Apple có được khi ra mắt Apple Watch đó là hãng không phải chỉ cho người dùng biết một cái đồng hồ đeo tay là thế nào. Trong năm 2013, thị trường đồng hồ trên toàn thế giới có giá trị khoảng 62 tỉ USD, trong đó trải dài từ phân khúc tầm thấp dưới 150$ cho đến tầm trung (150$-1000$) và cao cấp (hơn 1000$). Bằng cách định giá sản phẩm của mình ở mức 349$, Apple đã làm cho Apple Watch trở thành một lựa chọn đáng cân nhắc không chỉ với những người sắp mua smartwatch mà còn cho cả những ai đạng chuẩn bị sắm cho mình một cái đồng hồ đeo tay mới.
Thiết kế của Apple Watch cũng phản ánh rằng nó sẽ tiếp cận được một thị trường rất rộng lớn. So với những chiếc smartwatch khác, Apple Watch thật sự trông giống như một cái đồng hồ bình thường chứ không phải là một thiết bị công nghệ cao siêu gì cả. Bằng cách này, Apple muốn cho người dùng biết rằng Watch không phải là một thứ mới mà bạn phải học mới biết cách xài, nó chỉ là một phần bổ sung cho những thứ bạn đã biết. Nó là một cái đồng hồ, và nó mang đậm 100% cái chất của Apple.
Steve Jobs từng nói: “Tôi nghĩ rằng chúng tôi không chỉ tìm được một công thứ đúng mà chúng tôi còn biết rằng thương hiệu Apple sẽ trở nên tuyệt vời, bởi vì người dùng tin vào Apple.” Giờ đây, niềm tin đó không còn được đặt vào iPod nữa mà là vào một thiết bị được đeo trên cổ tay, Nó cũng chính là thứ sẽ định nghĩa tương lai của Apple và của cả ngành hàng thiết bị đeo được. Chúng ta hãy chờ xem sao.
Tham khảo: Wired
Nguồn: Tinh Tế
Đăng nhận xét