Mặc dù thị trường sữa chua đã xuất hiện nhiều nhãn hiệu mới, nhưng với vị thế của người đi tiên phong, Vinamilk đang thách thức phần còn lại.
Theo dự đoán của các chuyên gia, khoảng 3 năm nữa thị trường sữa chua sẽ phát triển như sữa tươi hiện giờ. Còn theo thông tin được công bố tại hội thảo "Ứng dụng công nghệ cao và phát triển bền vững sữa tươi sạch tại Việt Nam" thì thị trường sữa chua (sữa chua ăn và sữa chua uống) đạt xấp xỉ 245 nghìn tấn, tương đương 10,5 nghìn tỷ đồng năm 2013. Trong tương lai không xa, đến năm 2017 con số này ước tính sẽ tăng lên 500 nghìn tấn, tương đương hơn 25 nghìn tỷ đồng.
Vị thế người tiên phong
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều chuyên gia nhận định, thị trường sữa chua là sân chơi riêng của Vinamilk. Với tỷ lệ thị phần quá mức chênh lệch (90%) thì các đối thủ khác của Vinamilk cũng chỉ "quần hùng" để leo lên vị trí thứ hai. Như vậy cũng có nghĩa là 10% thị phần còn lại được chia cho các thương hiệu "sinh sau", đặc biệt trong đó là cuộc so kè giữa IDP và TH True Milk. Năm 2013, IDP cho biết: (dù chưa được kiểm chứng) họ đã giữ khoảng 6 – 7% thị phần sữa chua. Nhưng mới đây, TH True Milk khẳng định sữa chua TH true YOGURT đã được hơn 90% người tiêu dùng biết đến và là thương hiệu đứng thứ 2 trên thị trường sữa chua. Đi trước các đối thủ khác gần 20 năm nên Vinamilk đã xây dựng cho mình một hệ thống phân phối, nhà máy sản xuất phủ rộng trên khắp cả nước. Hiện tại Vinamilk đang sở hữu đến 11 nhà máy có khả năng sản xuất sữa chua ở cả ba miền Bắc – Trung – Nam. Đây chính là lợi thế của Vinamilk trong việc giải quyết bài toán tối ưu hóa chi phí vận chuyển sản phẩm đến từng khu vực thị trường để tiêu thụ.
Ông Nguyễn Quốc Khánh – Giám đốc điều hành Vinamilk cho biết: "Doanh số sữa chua của Vinamilk thời gian tới có thể đạt 30% tổng doanh thu của toàn công ty. Trong tương lai gần, chúng tôi sẽ chuẩn bị có "siêu" nhà máy, chuyên sản xuất sữa chua".
Như vậy, trong ngắn hạn, cuộc đua trên thị trường sữa chua gần như vẫn nằm trong tay Vinamilk. Tuy vậy, thị trường vẫn còn rộng mở nữa và cũng không nhất thiết phải cạnh tranh trực tiếp với đối thủ lớn để chiếm thị trường. Cơ hội tăng trưởng cho các doanh nghiệp khác vẫn còn khi họ có chiến lược đúng để khai thác thị trường ngày một lớn hơn.
Có sức thì tranh
Rất nhiều ý kiến cho rằng, thị trường sữa chua mang lại lợi nhuận và doanh thu lớn nên các hãng sữa đua nhau "đột kích" mặt hàng này. Ở Việt Nam, thị phần của sản phẩm sữa chua mới chỉ bằng 1/5 tổng nguồn cung toàn thị trường, trong khi ở một số nước trên thế giới, thị phần sữa chua chiếm 50%. Thay đổi thói quen tiêu dùng chính là cách mà các công ty đến sau muốn hướng đến khách hàng, bằng việc đẩy mạnh tiêu thụ sữa chua. Trong khi Vinamilk đứng đầu mặt hàng sữa chua ăn thì ở mặt hàng sữa chua men sống dạng uống (sữa chua uống), Yakult Việt Nam (nhãn hiệu Nhật Bản) đến sau lại chiếm ưu thế với sản lượng 73.000 chai/ngày.
Đứng trên quan điểm khai thác thị trường, ông Huỳnh Cơ Tấn, đại diện Công ty Yakult Việt Nam cho biết, mặc dù Việt Nam có điều kiện về dân số, diện tích, thời tiết khá giống với Indonesia, Thái Lan, Malaysia... nhưng doanh số của Yakult Việt Nam mới chỉ bằng 10% so với Yakult tại các nước đó. Do vậy, ông cho rằng, tiềm năng của thị trường vẫn rất lớn và còn nhiều chỗ cho các doanh nghiệp khác.
TH True Milk khẳng định sữa chua TH true YOGURT đã được hơn 90% người tiêu dùng biết đến và là thương hiệu đứng thứ 2 trên thị trường sữa chua.
Một cái tên đáng chú ý khác là TH True Milk, sau thời gian chậm hơn các doanh nghiệp khác trong thị trường sữa chua, gần đây TH True Milk cũng tung ra sản phẩm đầu tiên. Dù là kẻ đến sau, nhưng công ty này bước vào thị trường sữa chua với vị thế của một "ông lớn"do đã có sản phẩm sữa nước "lót đường" và điều này cũng giúp doanh nghiệp dễ tính toán hơn với bài toán sữa nguyên liệu dư.
Có sản phẩm sữa chua từ năm 2006, tập trung vào phân khúc sản phẩm dành cho trẻ em, Kido cũng đã xây dựng được phân khúc khách hàng riêng và phát triển thị trường rộng khắp thông qua hệ thống phân phối của Nutifood, Tribeco (Kido có cổ phần) và hơn 100.000 điểm bán lẻ của Tập đoàn Kinh Đô.
FrieslandCampina vốn có ưu thế về sữa chua nước cũng đã quay lại với dòng sữa chua ăn cùng sản phẩm sữa chua thanh trùng Cô Gái Hà Lan – "ngon như nhà làm" – với thời gian bảo quản lâu hơn các loại sữa chua thông thường 15 ngày. Trong khi đó với 6-7% thị phần hiện tại, Công ty cổ phần Sữa quốc tế (IDP) tạm được cho là đứng ở vị trí thứ 2. Tuy nhiên, kể từ khi tung ra sản phẩm sữa chua mang thương hiệu Love In Farm tháng 1/2013, IDP chưa bứt phá lên so với các đối thủ khác. Chất lượng sản phẩm cũng có nhiều ý kiến khác nhau.
Cách đây chưa lâu khi chứng kiến nhiều gương mặt mới tham gia vào thị trường sữa chua, đại diện Vinamilk từng chia sẻ với báo chí: "Thay vì cạnh tranh thị phần của một chiếc bánh nhỏ, hãy cùng làm chiếc bánh đó to lên. Khi đó mọi người đều được hưởng lợi". Đây chính là điều mà các hãng sữa đang làm: nỗ lực thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân hướng đến nhiều hơn với sữa chua.
Ngại gì thị phần nhỏ
Mặc dù thị phần của các doanh nghiệp khác có phần khiêm tốn so với Vinamilk, nhưng họ không từ bỏ sân chơi này. Mới đây, theo kết quả nghiên cứu của Công ty Kantar Worldpanel Việt Nam, chỉ tính riêng sữa chua men sống sản xuất tại việt Nam đã tăng trưởng 15% trong năm qua. Một chuyên gia về thị trường phân tích: "Mặc dù thị phần của Vinamilk là áp đảo, nhưng họ cũng không thể "bao sân" hoàn toàn vì sân ngày càng rộng. Đó là lý do để các doanh nghiệp khác vẫn vui vẻ tham gia vào thị trường này. Thị phần dẫu nhỏ, nhưng dư địa để phát triển là rất lớn nên việc khai thác thị trường chỉ còn tùy thuộc vào quy mô và chiến lược của từng công ty. Còn chuyện bị o ép bởi đổi thủ là không đáng quan ngại".
Theo số liệu thống kê của Euromonitor International, doanh thu từ sữa chua tại Việt Nam ngày càng tăng. Chẳng hạn năm 2010 đạt 3.300 tỷ đồng, năm 2012 là 5.737 tỷ đồng, cho đến năm 2013 đã đạt hơn 12.000 tỷ đồng. Sự tăng trưởng này cho thấy xu hướng người tiêu dùng ngày càng chú trọng về các sản phẩm sữa chua. Đây cũng là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp cung cấp và sản xuất sữa chua tại Việt Nam.
Chưa kể, hiện so với các nước trên thế giới, tỷ lệ sử dụng sữa chua so với sữa ở Việt Nam còn rất thấp. Đơn cử tại Pháp tỷ lệ này là 80:20, ở Singapore là 70:30 hay Thái Lan đạt 50:50. Trong khi đó, tỷ lệ ở Việt Nam chỉ khoảng 20:80. Đây cũng là yếu tố thúc đẩy các doanh nghiệp đẩy mạnh cho thị trường này.
Ngoài vị trí số 1 của Vinamilk, hiện vẫn chưa có con số chính thức để đưa ra nhận định xem ai đang đứng các vị trí tiếp theo. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tiếp sau Vinamilk sẽ là cuộc chiến giữa Love In Farm của IDP và các sản phẩm của TH True Milk sắp tới. Sẽ rất khó cho IDP bởi nguồn lực tài chính của công ty này có hạn, trong khi giám đốc điều hành Trần Bảo Minh chưa xác định tương lai lâu dài tại công ty này. Dấu ấn của ông Minh ở IDP cũng khá mờ nhạt, các "chiêu" marketing vốn làm nên tên tuổi Trần Bảo Minh chưa phát huy tác dụng tại công ty tư nhân này, do ngân sách marketing hạn hẹp hơn nhiều so với các công ty cũ ông Minh từng đầu quân (Vinamilk, TH True Milk, Asia Foods – Mỳ Gấu Đỏ).
Trong khi đó, đại diện công ty FreslandCampina cũng cho biết, đang đẩy mạnh các kênh phân phối, hỗ trợ nhà phân phối để tăng đầu ra sản phẩm sữa chua.
Nhưng nếu nhìn thị trường có thể thấy, các hãng đã khai thác khá đa dạng mùi vị cũng như chủng loại sản phẩm và hẳn các hãng sẽ phải có trong tay nhiều "con bài" mới. Chính vì thế, cuộc đua của thị trường sữa chua trong thời gian tới sẽ hết sức thú vị. Vinamilk tuy có lợi thế nhưng sẽ tụt lại rất nhanh nếu chủ quan trước các đối thủ khác. Rất có thể chỉ vài năm nữa, khoảng thị phần 10% dành cho các thương hiệu còn lại sẽ mở rộng thêm. Người tiêu dùng hẳn sẽ có thêm cơ hội để lựa chọn.
إرسال تعليق