Không nằm ngoài dự đoán, các fan của Android, Nokia-Microsoft hay BlackBerry đều đã lên tiếng mỉa mai Apple vì bước chân quá chậm vào thị trường smartphone cỡ lớn. Ấy vậy mà doanh số của hai chiếc iPhone 6 và iPhone 6 Plus chắc chắn sẽ rất khổng lồ.
Ngay cả các fan của Apple cũng có thể nhận ra rằng, iPhone những năm gần đây gây thất vọng khá nhiều. Từ khi Steve Jobs ra đi, Apple vẫn chưa một lần đưa các fan của mình trở lại với cảm xúc háo hức và bất ngờ khi ra mắt những sản phẩm mới.
Thậm chí, với con mắt của một người tiêu dùng thông thái hay một nhà phân tích công nghệ, bạn có thể sẽ có cảm giác rằng Apple đang tự tìm đến chỗ chết như Nokia và Motorola ngày trước. Nhưng, sự thật đang diễn ra hoàn toàn ngược lại: dưới thời Tim Cook, Apple thậm chí còn bành trướng mạnh mẽ gấp nhiều lần so với thời kỳ Steve Jobs. Trước khi đi tìm nguyên nhân dẫn đến nghịch lý này, hãy cùng nhìn nhận lại tình hình của Apple trong thời gian gần đây.
Một Apple kém sáng tạo…
Từ ngày Steve Jobs ra đi, Apple vẫn chưa mang đến được bất ngờ nào thú vị như chiếc laptop rút ra từ... phong bì này
Kể từ sau iPad (2010), cho đến nay Apple vẫn chưa khởi động được một cuộc cách mạng nào mới cả. Ngay cả chiếc Apple Watch mới ra mắt cũng chưa thể vươn đến đẳng cấp của iPod, iPhone và iPad – dẫu cho Tim Cook đã mạnh dạn sử dụng lại câu nói "Và thêm một điều nữa…" từng được Steve Jobs dùng để ra mắt iPhone.
Cả iPad Air, iPad Mini Retina và các dòng máy Mac những năm gần đây đều chỉ là những sản phẩm mang tính chất nâng cấp nhỏ giọt. iPod gần như đã chết, bởi Apple đã ngừng làm mới sản phẩm cho thương hiệu này trong suốt 2 năm vừa qua, trong đó iPod Classic đã chính thức bị khai tử.
Câu chuyện về iPad cũng không khiến các fan khỏi mếch lòng. Từ iPad 2 lên iPad 3 (The New iPad) là rất nhiều cải tiến về cấu hình, nhưng số lượng cải tiến từ iPad 3 lên 4 (iPad with Retina Display) là quá ít. Khi iPad 4 ra mắt, Apple thậm chí còn ngừng bán iPad 3 và tiếp tục bán iPad 2.
Đáng thất vọng hơn, Quả Táo tiếp tục bán chiếc iPad 2 cho đến tận cuối năm ngoái, tức là tiếp tục bán ra một sản phẩm có tuổi đời... 3 năm ở mức giá 400 USD để kích cầu cho iPad Air (thế hệ mới nhất). Phải đến khi doanh số iPad sụt giảm, Apple mới chịu thay thế iPad 2 bằng iPad 4 ở mức giá 400 USD, trong khi rõ ràng iPad 2 lẽ ra đã nên bị khai tử từ 2 năm trước.
iPod coi như đã chết
Ngay cả iPhone, dù vẫn đang tăng tốc khủng khiếp, cũng vẫn là một sản phẩm đáng thất vọng trong nhiều năm liền. Năm 2011, đúng 1 ngày trước khi Steve Jobs qua đời, iPhone 4s ra mắt với thiết kế gần giữ nguyên từ iPhone 4. Sau đó 1 năm, iPhone 5 dù mang thiết kế mới vô cùng sang trọng nhưng cũng vẫn là một sản phẩm có màn hình quá "nhỏ" (4 inch) so với tiêu chuẩn của năm 2012.
Đến năm 2013, khi người tiêu dùng đã từ bỏ hy vọng vào một thiết kế mới vì quá quen với chiến lược ra mắt máy "S" của Táo, Tim Cook lại làm thất vọng iFan khi khai tử chiếc iPhone 5 mới chỉ có tuổi đời 1 năm và thay thế bằng một chiếc điện thoại vỏ nhựa "xấu khủng khiếp": iPhone 5c.
…và nỗi thất vọng mang tên iPhone 6
Đến năm nay, iPhone cuối cùng cũng đã có màn hình lớn: 4,7 inch và 5,5 inch. Sự ra đời của chiếc iPhone 6 được coi là "thời khắc vinh quang" mà các fan Táo đã phải chờ đợi quá lâu. Nhưng ngoài thiết kế mới và màn hình lớn, 2 chiếc iPhone mới cũng chẳng có gì thực sự đáng nói cả.
Bức tranh được fandroid gửi tặng iFan không troll kiểu bịa đặt, mà là "troll" rất chính xác.
Thậm chí, iPhone 6 và 6 Plus còn là một sản phẩm lỗi thời về nhiều mặt. Smartphone Android và Windows Phone đã có màn hình lớn từ rất lâu; công nghệ chống rung quang học OIS cũng đã được Nokia và Samsung khám phá từ trước. Độ phân giải camera của iPhone 6 trong năm nay vẫn chỉ là 8MP; khẩu độ và kích cỡ pixel cũng bị giữ nguyên từ 5s.
Hai chiếc iPhone 6 cũng không có một yếu tố bất ngờ nào cả. Những gì được Apple tô điểm ngày hôm qua cũng đều là những tính năng quá quen thuộc với người dùng smartphone: phần mềm theo dõi sức khỏe/luyện tập, camera chụp thiếu sáng tốt cho đến trợ lý ảo Siri.
Nhưng Apple vẫn cứ lập hết kỷ lục này đến kỷ lục khác
Sau khi Steve Jobs qua đời, nhiều người cho rằng Apple sẽ sớm "chết", nhưng sự thật là Quả Táo vẫn đang ngày một hùng mạnh. Hãy thử nhìn vào báo cáo tài chính của Apple trong quý từ tháng 4 đến tháng 6/2014. Tổng số iPhone bán ra đạt 35,2 triệu chiếc, vượt hẳn 4 triệu chiếc so với cùng kỳ 2013. Cùng lúc, Samsung chứng kiến doanh số và lợi nhuận sụt giảm. Các con số cụ thể không được công bố, song các số liệu của IDC cho biết sản lượng smartphone Samsung trong thời gian này đã sụt giảm 3 triệu chiếc xuống còn 74,3 triệu đơn vị.
Mỗi thế hệ iPhone mới đều vượt mặt thế hệ cũ
Trước khi bạn chỉ ra sự khác biệt rất rõ ràng về các con số 35 triệu chiếc của Apple và 74 triệu chiếc của Samsung, hãy nhớ lại rằng Apple chỉ tham gia vào phân khúc smartphone cao cấp. Kể cả Android có đang "đè bẹp" iOS về thị phần, và ngay cả trong bối cảnh thị trường smartphone cấp thấp/tầm trung chưa bão hòa như hiện nay, sự thật vẫn là Apple đang đứng đầu về lợi nhuận – mục tiêu cốt lõi nhất khi tham gia kinh doanh bất cứ một thứ gì.
Các số liệu thống kê của Cannacord cho thấy, Apple đang chiếm tới… 84% lợi nhuận của ngành di động, trong khi Samsung dù là tên tuổi số 1 về sản lượng nhưng cũng chỉ chiếm 33%. Lưu ý rằng 2 con số này cộng lại lớn hơn 100% là do nhiều nhà sản xuất khác phải chịu lỗ trên mảng smartphone (HTC, Nokia, Sony, LG) và do đó sẽ chiếm phần trăm âm về lợi nhuận.
Các mảng làm ăn đi theo smartphone như chợ ứng dụng, chợ nội dung nhạc/sách/phim của iOS cũng đangvượt trội so với Android. Đây là lý do vì sao các nhà phát triển ứng dụng vẫn cứ lựa chọn iOS đầu tiên rồi mới tìm đến Android, dẫu rằng lượng người dùng Android quá áp đảo so với lượng người dùng iOS. Cho đến tận bây giờ, cộng đồng Android vẫn không thể mang lại lượng doanh thu quảng cáo và doanh thu bán ứng dụng/nội dung ứng dụng khổng lồ như iOS.
Lợi nhuận vẫn liên tục gia tăng (tính theo các quý cùng kỳ)
Thậm chí, Apple đã làm được điều này trong một quý được coi là khó khăn nhất với Táo và dễ dàng nhất với các nhà sản xuất Android. Do các thế hệ iPhone/iPad mới sẽ ra đời trong quý 3, sức mua iPhone và iPad 2013 của quý 2 thường xuyên chạm đáy. Ngược lại, đây cũng là quý ngay sau thời điểm Samsung, HTC cùng các nhà sản xuất khác vừa tung ra sản phẩm chủ lực của mình (S5, M8,…) và do đó sức cạnh tranh của Android cũng sẽ đạt tới đỉnh điểm.
Ấy vậy mà iPhone vẫn cứ tăng trưởng, còn smartphone Samsung Galaxy thì lại suy giảm. Các mảng làm ăn ngoài iPhone của Táo như Mac hay iTunes cũng vẫn tăng trưởng tương đối mạnh mẽ, từ một ngoại lệ duy nhất là iPad. Điều đó không có nghĩa rằng Apple phải lo ngại về tương lai của iPad, bởi cái khó của Apple cũng là cái khó chung của toàn bộ mảng sản xuất tablet cao cấp: thị trường đã bão hòa và nhu cầu mua mới tablet cũng không rõ rệt như nhu cầu smartphone. Đó là còn chưa kể con số 13,3 triệu iPad bán ra cũng vẫn là quá ổn, và gần như chắc chắn những chiếc iPad mới sẽ lại đạt doanh số kỷ lục trong kỳ mua sắm bận rộn cuối năm nay mà thôi.
Sự mâu thuẫn giữa chất lượng sản phẩm và doanh số
iPhone 6 Plus thực chất chỉ là iPhone 6 phóng to
Trở lại với iPhone, dưới góc độ người tiêu dùng, chiến lược ra mắt xen kẽ một sản phẩm chỉ có thiết kế mới như iPhone 6 và một sản phẩm chỉ có phần mềm/tính năng mới như iPhone 5s là rất đáng chê trách.
Sự "ì ạch" có vẻ rất vô lý này đã được kéo dài và bao phủ toàn bộ chiến lược sản phẩm của Táo trong những năm qua. Câu chuyện thành công của Apple thời kỳ hậu Steve Jobs (hay chính xác hơn là hậu iPhone 1/iPad 1/MacBook Air 1) là như sau: Apple không hề tỏ ra cố gắng đáp ứng nguyện vọng (chính đáng) của người tiêu dùng.
Nhưng khi nhìn dưới góc độ kinh doanh, bạn sẽ thấy những sự thật có vẻ rất đối nghịch nhau này thực ra lại không hề mâu thuẫn chút nào hết. Mục tiêu tối thượng khi sản xuất smartphone (hay bất kỳ một ngành nghề kinh doanh nào khác) vẫn là giảm tối đa chi phí và tăng tối đa lợi nhuận. Khi ra mắt một thế hệ iPhone có thiết kế cũ như iPhone 4S và iPhone 5s, Apple có thể rảnh tay nghiên cứu các công nghệ mới và giảm thiểu kinh phí nhờ tái tận dụng một thiết kế đã được yêu quý. Khi ra mắt một thế hệ không có nhiều tính năng mới như iPhone 5 và 6, Apple vẫn có thể đảm bảo rằng những chiếc iPhone thiết kế mới này không bị tụt hậu quá nhiều, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức hút của "bộ cánh" mới.
Các fan đã quá quen với chiến lược "S" của Táo, nhưng vào năm 2011, chiếc 4S là cả một nỗi thất vọng to lớn
Nhưng cũng không có một công ty nào dám thực hiện một chiến lược tương tự như Táo, hoặc nếu có thì cũng sẽ là tự chuốc lấy thất bại. Hãy thử nhìn vào Sony với những thế hệ Xperia Z (Z, Z1, Z2 và Z3) gần như là bản sao của nhau về thiết kế. Sau khi Xperia Z đầu tiên gây sốt nhờ tính năng chống bụi/nước, doanh số dòng đầu bảng này ngày càng sụt giảm. Mới gần đây, Sony đã phải giảm mục tiêu doanh số của năm nay từ 50 triệu chiếc xuống 43 triệu chiếc.
Hoặc một ví dụ về sự "lười thay đổi" khác là Samsung. Sức hấp dẫn của dòng Galaxy S đã bị giảm sút quá nhiều do Samsung kiên quyết ở lại với chất liệu nhựa. Giá như Galaxy S4 được thay đổi mạnh mẽ về thiết kế so với Galaxy S3, Samsung giờ đây hẳn đã ở thế cân bằng với Apple hơn rất nhiều.
Sự thiếu hụt tính sáng tạo trên các đời Xperia Z có thể được coi là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khó khăn của Sony hiện nay
Câu chuyện thành công của Apple thời kỳ hậu Steve Jobs có vẻ tràn ngập những mâu thuẫn. Nếu bạn chưa hiểu vì sao iPhone vẫn cứ không hoàn hảo nhưng Apple thì vẫn cứ giàu có, có lẽ chúng ta nên thay đổi góc nhìn của mình. Hãy đừng nhìn Apple dưới góc nhìn của một người tiêu dùng đam mê công nghệ.
Trong phần tiếp theo của loạt bài, chúng ta sẽ tìm hiểu 4 chiến lược chính giúp Quả Táo thành công áp đảo mà không cần vượt mặt Samsung hay HTC về tính sáng tạo: Tạo ra những sản phẩm vừa đủ tốt để không mất khách hàng; không tham lam chạy theo quá nhiều tính năng; lựa chọn đúng các yếu tố cần thiết/hấp dẫn nhất để ra mắt và cuối cùng là xây dựng hình ảnh "đúng đắn" nhất cho iPhone.
(còn tiếp...)
Lê Hoàng
Theo Vnreview.vn
Đăng nhận xét