Vừa qua, Sony đã chính thức giới thiệu sản phẩm mới nhất thuộc dòng máy ảnh không gương lật của mình: NEX-F3. Chiếc máy này mang trong mình nhiều cải tiền so với người tiền nhiệm NEX-C3 về cấu hình lẫn thiết kế. Đây là chiếc máy ảnh to nhất trong tất cả các máy NEX, trừ NEX-7, nhưng bù lại cho chúng ta cảm giác cầm tốt và thoải mái hơn. Đây cũng là chiếc NEX thứ hai được tích hợp đèn flash cóc sẵn trong thân máy giúp chúng ta linh hoạt hơn trong việc chụp ảnh. Chất lượng ảnh và khả năng chụp thiếu sáng tốt cũng như các chế độ chỉnh tay phong phú có thể đáp ứng được yêu cầu của nhiều đối tượng người dùng khác nhau. Việc chuyển đổi giữa các chế độ vẫn còn là một điểm trừ của NEX-F3, tương tự như trên những chiếc NEX khác do số lượng nút hạn chế.
Thiết kế và ngoại hình
Nếu bạn đã từng dùng qua những chiếc NEX trước, không tính NEX-7, thì cảm giác đầu tiên khi cầm vào chiếc F3 sẽ rất khác. Máy to hơn, nặng hơn một chút chứ không mỏng và nhẹ như những người tiền nhiệm. Cụ thể hơn, kích thước của NEX-F3 là 117 x 67 x 42 mm và nặng 314g, cao hơn một chút so với hai con số 110 x 60 x 33mm và 225g của NEX-C3. Tuy nhiên, mức chênh lệch này không gây ra nhiều khó khăn, mà ngược lại, cảm giác cầm rất thích, máy đầm hơn, cầm chắc tay hơn. Tuy nhiên cầm lâu thì có cảm giác hơi mỏi tay một chút.
Máy nhìn chuyên nghiệp, đẹp nhưng vẫn gọn nhẹ
Chiếc NEX-F3 của mình cầm có màu trắng, nhìn rất đẹp, trẻ trung và thời trang. Tất nhiên, tương tự các máy NEX khác, cảm giác khi dùng NEX-F3 vẫn rất cao cấp và dễ dàng tạo cảm hứng cho việc chụp ảnh. Máy có thiết kế vuông vức hơn nhiều so với NEX-C3, từ các góc cạnh cho đến báng nên nhìn F3 chuyên nghiệp hơn.
Báng cầm tay lớn, cong, ôm sát vào tay, thoải mái khi dùng
Điểm khác biệt lớn nhất của NEX-F3 so với NEX-3/C3 đó là báng cầm tay lớn và trên hết là thiết kế báng cong hơn, khiến cho việc giữ máy sẽ chắc chắn hơn và không bị cấn lòng bàn tay như những lần mình chụp bằng NEX-5 hay NEX-C3 trong khoảng thời gian dài. Mình là một người có bàn tay khá to nhưng vẫn thoải mái khi dùng NEX-F3 chụp trong vòng 3 tiếng liên tục. Có một phần gồ nhẹ ở góc trên, bên phải của báng giúp cho vị trí đặt ngón giữa được êm ái hơn, còn ngón tay trỏ ôm trọn vào báng và luôn sẵn sàng nhấn nút chụp. Việc cải tiến báng cầm tay là một điểm rất được đánh giá cao trên chiếc NEX-F3. Báng này vẫn được phủ một lớp vật liệu nhám, theo cảm giác riêng là nhám hơn NEX-C3 nên cầm không bị trơn trượt. Đây là điểm cải tiến rất đáng khen của dòng NEX-3.
Hình ảnh về chiếc NEX-F3
So sánh NEX-F3 với NEX-5
NEX-F3 là chiếc máy NEX thứ hai được Sony tích hợp sẵn đèn flash cóc ngay trong thân máy. Những chiếc NEX dòng 3 và 5 đi trước phải sử dụng đèn flash rời gắn thêm vào cổng đặc biệt nên làm cho máy trở nên cồng kềnh hơn nhiều. Còn với NEX-F3 thì đèn flash này xếp gọn vào thân máy rồi. Khi nhấn nút bật flash, đèn flash cóc này bật lên rất mạnh nên nếu chưa quen, bạn sẽ thấy hơi sợ. Cấu trúc bật của đèn này nhìn khá phức tạp nhưng chắc chắn. Đèn sau khi bật được cố định ở vị trí khá cao nên lúc dùng hood cho các ống 18-55mm thì không bị bóng đen như tình trạng thường thấy ở các máy DSLR khác.
Đèn flash cóc bật cao
Có một điểm thú vị với đèn flash cóc này, đó là bạn có thể chỉnh được góc nghiên của nó. Tất nhiên điều này không được "hỗ trợ" chính thức nhưng có thể tận dụng nó như một mẹo vặt khi chụp với NEX-F3. Trước khi chụp, dùng ngón trỏ nâng nhẹ đèn flash lên sao cho nó nghiên một góc nào đó tùy ý muốn của bạn, sau đó nhấn nút chụp. Ánh sáng sẽ được phân tán rộng khắp không gian chụp do phản xạ từ trên trần/tường xuống chứ không làm đối tượng chụp bị bệt và xấu như khi đánh flash thẳng.
Tuy có flash cóc nhưng Sony vẫn giữ lại cổng kết nối flash và phụ kiện vốn xuất hiện từ những dòng NEX trước. Nhờ đó, bạn có thể dùng flash có công suất mạnh hơn và cao hơn như Sony HVLF20S, hoặc kết hợp với ống ngắm điện tử Sony FDA-EV1S nếu bạn yêu thích việc ngắm qua Viewfinder chứ không phải là LCD.
Bên trái là đánh flash thẳng, bên phải là ảnh chụp khi dùng ngón tay nâng flash lên một chút
Màn hình
Màn hình trên NEX-F3 là màn hình LCD 3" với độ phân giải 921.600 pixel. Với độ phân giải như thế này thì bạn có thể ngắm chụp và xem ảnh một cách sắc nét, không có gì phải phàn nàn cả. Điều này đã được Sony duy trì từ chiếc NEX-3 mình dùng cách đây khá lâu. Tuy nhiên, so với những chiếc NEX trước thì điểm khác biệt nằm ở góc lật màn hình của NEX-F3. Màn hình này có thể lật hẳn lên trên 180 độ, hướng màn hình trực diện vào người chụp trong trường hợp bạn cần tự chụp chân dung. Điều này rất tiện lợi và hay, các máy NEX trước không làm được. Nhưng khi lật xuống thì chỉ được một góc nhỏ chứ không lật được nhiều như chiếc NEX-C3 hay NEX-5N (NEX-F3 có góc lật xuống chỉ 13 độ, trong khi NEX-C3 là 45 độ). Điều này gây bất tiện cho chúng ta khi cần chụp các tình huống phải nâng máy lên cao. Cơ chế nâng của màn hình cũng còn hơi gắt nên những lần đầu tiên bạn sẽ hơi sợ khi lật màn hình, dùng lâu dần thì sẽ quen. Màn hình của NEX-F3 không có khả năng cảm ứng như trên chiếc NEX-5N nhưng cũng không gây ảnh hưởng gì nhiều đến người dùng.
Lật lên trên 180 độNhưng lật xuống chỉ được 13 độ, khá ít
Chức năng, điều khiển
Tất cả những nút và bánh xe để điều khiển NEX-F3 đều năm ở đây
NEX-F3 vẫn giữ nguyên cách điều khiển như những dòng NEX-5 và NEX-3, tức là chỉ có một bánh xe duy nhất trên thiết bị. Bánh xe này đảm đương rất nhiều tính năng, từ việc chỉnh khẩu độ, tốc độ cho đến chế độ lấy nét hay ISO tùy theo bạn gán chức năng nào trong phần Settings và tùy thuộc chế độ chụp bạn đang đặt nữa.
Để chuyển giữa các chế độ chụp ảnh (P/S/A/M, chế độ tự động, chế độ chụp cảnh, panorama,…) thì phải nhấn vào nút tròn nhỏ ở góc trên bên phải của màn hình (tức nút Menu), sau đó chọn Shoot Mode rồi xoay bánh xe để chọn được chế độ mình muốn. Việc này làm tăng thời gian khi cần chuyển giữa các chế độ với nhau, không như các máy DSLR thường có một vòng chuyển đổi vật lí. Tất nhiên bạn vẫn có thể gán nút tắt cho việc chỉnh Shoot Mode (cũng như các thông số ảnh khác) nhưng nhìn chung vẫn tốn thời gian hơn các máy DSLR, SLT bình thường.
Việc chuyển điểm lấy nét cũng mất thời gian hơn vì phải nhấn nút Soft Key B rồi mới di chuyển điểm được. Do F3 không có màn hình cảm ứng như NEX-5N nên việc lấy nét không nhanh như thao tác chạm vào màn hình. Thật ra, với kích thước máy nhỏ gọn thì việc bổ sung vòng chuyển hay hệ thống nút dày đặc là rất khó nên có thể tạm chấp nhận được ở trên chiếc NEX-F3 này.
Menu của NEX vẫn giống như trên những máy NEX-5 và NEX-3 khác
Về các nút điều khiển khác, có ba điểm mà mình muốn đề cập. Trước hết, nút nhấn giữa bánh xe có bề mặt hơi cong và bấm dễ hơn, êm hơn trên những chiếc NEX đi trước mà mình từng thử qua. Điểm thứ hai là nút quay phim. Nút này được bao bọc xung quanh bởi một gờ khá cao nên hơi khó nhấn. Có thể hiểu được ý của Sony khi thiết kế như vậy là để hạn chế việc bấm nhầm, nhưng thật sự là khi quay thì mình phải dùng lực khá nhiều để ấn nên cuối đoạn phim máy hơi rung. Cuối cùng, hai nút Menu và Soft key B (hai nút ở góc trên dưới gần màn hình) đã chuyển từ thiết kế thuông dài trên NEX-C3 thành nút tròn như trên NEX-5, NEX-5N, khiến việc bấm trở nên dễ dàng hơn.
Cổng giao tiếp
Trên NEX-F3, Sony trang bị một cổng micro USB, một cổng mini HDMI, khay pin và khay chứa thẻ nhớ. Điểm đặc biệt mà mình muốn nói đến là cổng micro USB chứ không phải là cổng mini USB như trên hầu hết máy ảnh khác. Cổng này có cái hay là có thể dùng để sạc thiết bị nếu như bạn kết nối NEX-F3 với máy tính. Đây là lần đầu tiên mình được sử dụng một chiếc máy ảnh thay ống kính mà lại được sạc qua cổng USB, một điều cực kì hiếm thấy trên các máy DSLR hay NEX khác. Mặc định, Sony không bán kèm bộ sạc cho NEX-F3 vì đã có cổng microUSB nên có thể dùng bất kì đồ sạc điện thoại nào cũng được. Việc này có hai điểm lợi và hại: Lợi đó là bạn có thể sạc được bằng bất kì cục sạc điện thoại nào khi đi xa, không phải mang thêm một bộ sạc pin cồng kềnh, còn hại là nếu bạn chỉ có một cục sạc USB thì hơi vất vả hơn, và thời gian sạc cũng lâu hơn. Thời gian để sạc đầy pin là khoảng 5 tiếng thông qua cổng micro USB.
Cổng microUSB và mini HDMI
NEX-F3 có thể dùng được thẻ nhớ SDHC/SDXC hoặc thẻ MemoryStick Pro Duo. Bạn chỉ có thể chọn một trong hai loại này vì máy chỉ có một khe thẻ duy nhất. Khe này nằm ở cạnh dưới máy và bạn phải lật một cái nắp nhỏ lên để lấy thẻ. Kế bên đó là khe chứa pin của NEX-F3. Cục pin của máy có mã hiệu NP-FW50, giống với các máy NEX và vài dòng Alpha SLT khác.
Khe chứa pin và thẻ nhớ
Lấy nét
NEX-F3 lấy nét bằng việc đo độ tương phản, nhanh và khá chính xác trong hầu hết các trường hợp thông thường. Khi có ánh sáng phức tạp một chút thì máy lấy nét chậm hơn và nhiều khi kém chính xác. Mặc dù máy báo đã khóa nét ở điểm đó nhưng ảnh cho ra vẫn mờ, chứng tỏ đã bị out nét. Tuy nhiên, may mắn là điều này không xảy ra nhiều, chỉ chừng 2-3 tấm trên khoảng 100 tấm và chỉ xảy ra ở những nơi rất tối. Đèn trợ sáng lấy nét của máy cũng giúp người dùng rất nhiều khi cần chụp ảnh ở những nơi thiếu sáng, tuy nhiều lúc ánh đèn này bị che mất một phần hoặc toàn bộ bởi vì ngón tay hơi lớn của mình.
Có một tính năng thú vị về khả năng lấy nét trên NEX-F3, đó là Object Tracking. Khi kích hoạt chế độ này, chúng ta có thể chọn lấy một đối tượng, canh sao cho nó ở giữa màn hình và nằm trong khung focus của máy rồi nhấn nút OK. Từ đó trở khi, máy sẽ liên tục bám nét theo đối tượng, mặc cho chúng ta di chuyển camera hay bản thân đối tượng đó di chuyển như thế nào. Khả năng bám theo rất chính xác với tốc độ di chuyển của vật thể khá nhanh. Còn khả năng lấy nét ngay trong khi bám ở mức tốt và tốc độ cao với điều kiện ánh sáng đầy đủ. Mình thử nghiệm ngồi trên xe và lấy nét theo một chiếc xe máy khác chạy song song. Kết quả là Object Tracking luôn bám sát đối tượng, ra đến tận viền màn hình trước khi chiếc xe đó biến mất. Trong môi trường thiếu sáng, việc lấy nét khi đang dùng Object Tracking chậm hơn một chút. Thật đáng tiếc khi chúng ta chỉ có thể chọn đối tượng tracking ở ngay chính giữa màn hình mà thôi (nhưng khi đối tượng di chuyển thì khung bám nét vẫn di chuyển và lấy nét được ở bất kì khu vực nào).
Chế độ chụp
NEX-F3 là một chiếc máy ảnh rất vui vẻ vì nó cho chúng ta nhiều chế độ chụp linh hoạt và thú vị. Ngoài những chế độ chỉnh tay như M, S, A, P ra thì ta còn có những chức năng sau:
3D Sweep Panorama và Sweep Panorama: đây là tính năng mình rất hay dùng vì nó có thể thay thế được cho công đoạn canh chỉnh phức tạp khi chụp ảnh cũng như không cần tốn thời gian ngồi tỉ mỉ ghép để có được một bức Panorama như ý. Bạn chỉ việc chọn và Sweep Panorama rồi bắt đầu lia máy để ghi lại hình ảnh khổ rộng. Riêng chế độ 3D thì chỉ xem được trên các TV 3D chứ không thấy được hiệu ứng trên màn hình LCD của NEX-F3. Trong vài lần thử nghiệm, mình thấy chế độ Sweep này có vẻ nhạy hơn so với các máy NEX-5. Cùng tốc độ lia như thế nhưng trên máy NEX-5 mình có thể hoàn tất bức ảnh, còn trên NEX-F3 thì máy báo mình lia quá nhanh nên phải thực hiện lại.
Anti Motion Blur: tính năng giúp giảm rung, mờ khi chụp trong điều kiện thiếu sáng hoặc khi chụp ảnh tele. Nguyên tắc hoạt động của chế độ này đó là nó sẽ chụp 6 tấm ảnh rồi xử lí lại để có ảnh rõ nhất.
Scene Selection: bạn có thể chọn nhiều chế độ cảnh như chụp đêm, chụp chân dung đêm, chụp cảnh mặt trời mọc, chụp cách hoạt cảnh nhanh, chụp macro, v.v. Trong số đó, ấn tượng nhất phải kể đến tính năng Hand-held Twilight, một tính năng rất hữu hiệu khi chụp đêm. Đây thật ra không phải là một tính năng mới mà nó đã xuất hiện trên các máy chụp ảnh của Sony nhiều năm trước. Nó cũng chụp lại nhiều tấm ảnh cùng lúc rồi xử lí để cho ra ảnh rõ nét, nhưng hữu hiệu hơn nhiều so với Anti Motion Blur trong môi trường thiếu sáng.
Intelligent Auto: chế độ này sẽ tự động nhận biết cảnh bạn đang chụp rồi tinh chỉnh các thông số cho thích hợp. Nếu bạn là người mới, nên dùng iAuto để xem máy đo sáng và tinh chỉnh khẩu độ, tốc độ, ISO, EV như thế nào rồi học theo.
Superior Auto: một tính năng mới xuất hiện trên dòng NEX-3 (NEX-F3 có, còn NEX-C3 thì không). Với chế độ này, bạn có thể chỉnh được nhiều thông số hơn là iAuto. Cụ thể, chúng ta sẽ dùng bánh xe để làm cho nền phía sau chủ thể mờ hơn (Defocus), chỉnh độ sáng (Brightness), tông màu nóng lạnh (Color), độ đậm của màu (Vividness) và cuối cùng là áp dụng ngay hiệu ứng vào ảnh chụp (Picture Effects). Các hiệu ứng này hoàn toàn giống với các máy NEX trước. Bạn có thể xem một số ảnh hiệu ứng ở Galleria bên dưới. Superior Auto còn giúp ta xác định khi nào thì dùng Auto, khi nào thì Auto HDR và chọn cảnh chụp một cách tự động, ta không phải làm thêm gì cả.
Auto Portrait Framing: Thật ra đây không phải là một chế độ chụp mà nó là một công nghệ, có thể bật tắt trong menu cấu hình máy. Khi bạn chụp một bức hình mà máy nhận ra mặt người, nó sẽ cố gắng crop bức hình đó lại theo tỷ lệ vàng 1/3 nhằm tạo ra hình ảnh chất lượng nhất, cũng như hướng đúng trọng điểm của mắt người khi vừa nhìn vào bức ảnh. Hình ảnh sau khi crop sẽ được sử dụng công nghệ Super Resolution của Sony để giữ nguyên độ phân giải.
Clear Image Zoom: đây cũng không hẳn là một chế độ chụp riêng biệt mà nó là một tính năng zoom kĩ thuật số được trang bị trên NEX-F3. Bình thường, rất ít khi mình dùng zoom số do kiểu zoom này cho chất lượng ảnh thấp, hình bị bể nhiều. Nhưng với NEX-F3 thì khác. Khi bật tính năng Clear Image Zoom này lên, hình ảnh được phóng to nhưng mức độ vỡ và độ mất nét ít, hình ảnh trong hầu hết trường hợp vẫn còn có thể sử dụng được. Sony cho chúng ta nhiều mức độ zoom khác nhau, lớn nhất là 4x. Khoảng phóng đại Clear Image Zoom dùng được là 1x cho đến 1,8x. Trên mức này ảnh xấu đi khá nhiều, mờ, vỡ hạt. Để chỉnh lại mức zoom thì ta phải dùng đến bánh xe trên NEX.
Tính năng Clear Image Zoom thật sự phát huy hiệu quả tốt khi dùng trong lúc video. Bạn có thể phóng lớn hình ảnh mà không bị rung máy do không phải xoay ống kính. Clear Image Zoom trong video dùng tốt đến mức phóng đại là 2,5x. Trên mức này hình ảnh bắt đầu xuống cấp rõ rệt. Bên dưới là một số tấm hình mình chụp bằng Clear Image Zoom. Mức độ zoom mình có ghi chú thích trong từng hình. Xem ảnh gốc về Clear Image Zoom ở đây
Chất lượng ảnh
NEX-F3 dùng cảm biến mới có độ phân giải 16 megapixel. Cảm biến này cho ảnh sắc nét một cách xuất sắc. Nếu chụp trong điều kiện đủ ánh sáng ảnh cho ra rất tốt, khi zoom lớn lên thì đảm bảo các chi tiết vẫn được giữ nguyên. Màu sắc ảnh trung thực, nước ảnh tốt, nhìn rất thích mắt. Tuy nhiên, có một số trường hợp nhìn trên màn hình LCD của máy khá đẹp và đậm màu nhưng khi mang lên máy tính thì nước ảnh nhạt hơn.
Khả năng chụp trong điều kiện thiếu sáng của NEX-F3 vẫn nằm ở mức tốt so với các máy DSLR hoặc những máy ảnh không gương lật với tầm giá tương đương. Ở mức ISO 800, bạn vẫn có thể chụp ảnh thoải mái, không lo lắng lắm đến vấn đề nhiễu. Khi tăng lên mức 1600, nhiễu bắt đầu xuất hiện ở mức vừa phải, không quá ít, không quá nhiều, vẫn chấp nhận. Lên đến ISO 3200, nhiễu bắt đầu xuất hiện nhiều hơn, các đường nét của vật thể chụp không còn sắc nét nữa mà hơi mờ đi. Tất nhiên điều này chỉ có thể nhận ra khi bạn phóng to ảnh lên thật lớn. Ở mức 6400 và 12800, ảnh noise thấy rất rõ ở các vùng tối, nhưng cũng ít khi nào chúng ta dùng đến mức ISO này. Nếu mục đích chủ yếu là để chia sẻ ảnh lên web với bạn bè thì khả năng chụp thiếu sáng của NEX-F3 là rất tốt.
Ảnh chụp thử trong tối, ISO từ 1600 đến 16000, tốc độ 1/50 giây, không +/- EV. Ảnh RAW chuyển qua JPEG bằng phần mềm Sony Image Data Converter, không chỉnh sửa gì.
Bạn có thể xem ảnh JPEG lớn ở đây
Quay phim
NEX-F3 có thể quay phim với độ phân giải tối đa là Full-HD 1920 x 1080 ở tốc độ 60i. Đây là điểm nâng cấp mạnh so với các model NEX-3 hay NEX-C3 vì những người tiền nhiệm này chỉ có thể thu hình ở độ phân giải HD 720p mà thôi. Giờ đây sức mạnh của NEX-F3 có thể sánh ngang với cả NEX-5N, chỉ có số bit rate thấp hơn một chút mà thôi (NEX F3 là 60i/24Mbps, còn ở NEX-5N tối đa là 60i/28Mbps).
Người dùng có thể chọn lựa giữa định dạng MP4 hoặc AVCHD, tương tự như trên các máy Alpha khác. Trong lúc quay, bạn có thể chỉnh được tốc độ, khẩu độ, EV, ISO, điểm lấy nét và cả zoom kĩ thuật số nữa. Ấn tượng nhất đó là chúng ta có thể linh hoạt chỉnh khẩu tốc, khiến cho việc sáng tạo của chúng ta trong lúc quay phim được hấp dẫn hơn. Một vài máy ảnh khác không cho phép chúng ta chỉnh hai thông số này, máy chỉ tự động thiết lập nên khá hạn chế cho những người quay phim cao cấp.
Về chất lượng của phim, màu sắc phim cho ra trung thực, không bị bệt hay nhạt màu. Nếu tiến hành quay ngoài trời thì chất lượng cao hơn nữa. Âm thanh rõ ràng, lớn. Đối với người dùng bình thường và hơi cao cấp một chút, chắc chắn chế độ quay phim của NEX-F3 sẽ làm các bạn hài lòng. Bạn có thể xem một đoạn video thử nghiệm ở bên dưới.
Video quay thử từ NEX-F3
Thời gian dùng pin
Theo Sony, máy có thể chụp được khoảng 400 tấm trong một lần sạc, nhưng thử nghiệm thực tế thì thấp hơn một chút. Ban đầu mình sạc đầy pin 100%. Khi chụp khoảng 170 tấm, trong đó có khoảng 10% là dùng flash, còn lại là chụp bình thường với màn hình LCD sáng liên tục thì máy còn khoảng 68% dung lượng pin. Để dùng hết cục pin trong một lần sạc thì mình đã chụp khoảng 370 tấm với mức độ sử dụng tương tự như trên. Dù sao thì đây vẫn là một con số rất tốt vì NEX-F3 không có viewfinder nên ta phải ngắm chụp và làm tất cả mọi thứ trên màn hình LCD sáng và có kích thước đến 3".
Kết luận
NEX-F3 là một chiếc máy tốt, mang trong mình nhiều công nghệ mới nên có thể giúp bạn cho ra tấm ảnh đẹp hơn và dễ dàng hơn. Với những ai mong muốn có được một chiếc máy ảnh cho chất lượng hình cao nhưng kích thước nhỏ gọn, NEX-F3 là một lựa chọn rất thích hợp. Tuy máy to và nặng hơn so với những người anh em NEX trước nhưng bù lại là cảm giác cầm đầm, thoái mái và chắc tay hơn. Tính năng tùy chỉnh vẫn còn khá rắc rối và chưa nhanh, nhưng có thể khi dùng trong thời gian dài thì sẽ trở nên quen tay hơn. Nói tóm lại, NEX-F3 là một chiếc máy cơ động và sẽ làm hài lòng nhiều người với mức giá 600 USD khi đi kèm ống kit 18-55mm.
Ưu điểm
Nhược điểm
- Báng cầm máy to, thoải mái
- Có flash cóc tích hợp
- Màn hình có thể xoay lên trên 180 độ
- Cổng microUSB có thể sạc máy được
- Quay phim Full-HD, chất lượng tốt
- Khả năng chụp thiếu sáng tốt
- Ảnh cho màu sắc trung thực, sắc nét
- Chế độ Superior Auto và Focus Peaking (hiện hình ảnh phóng to khi lấy nét tay)
- Nhiều tính năng chụp tự động với hiệu ứng thú vị
- Object Tracking nhanh, chính xác
- Lấy nét chưa chính xác hoàn toàn trong môi trường rất tối
- Việc điều khiển và menu vẫn còn phức tạp
- Các ống kính vẫn còn đắt tiền và chưa có nhiều tùy chọn
- Góc lật xuống của màn hình rất nhỏ
- Khớp lật màn hình hơi gắt
- Nút bắt đầu/kết thúc quay phim khó nhấn
Các hiệu ứng màu sắc
Một số ảnh khác, chụp ở địng dạng JPEG Fine, không chỉnh sửa, chỉ resize và đóng dấu. Các ảnh có hiệu ứng màu là dùng ngay hiệu ứng của máy chứ không can thiệp gì bằng phần mềm ngoài. Chỉ có một vài tấm là mình crop lại thôi. Bạn có thể xem ảnh kích thước đầy đủ ở đây.
bởi Duy Luân, 22/6/12 - Tinhte.vn
Đăng nhận xét